Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ nhật, 18/03/2018 14:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo. 

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Hoàng Anh

Sáng 17/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2018, Tạp chí Người Làm Báo phối hợp với Ban Nghiệp vụ, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức toạ đàm “Làm báo trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tham dự Toạ đàm có đại diện cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, cơ sở đào tạo báo chí, các cấp Hội Nhà báo.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng hiện tại của tự động hoá và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”.

Bản chất của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hoá quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá, người máy…

Không chỉ là dịp để các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cơ sở đào tạo báo chí, sinh viên có thể gặp gỡ, trao đổi hiểu hơn về những tác động của Cách mạng 4.0 đến nền báo chí nước ta, Toạ đàm còn tạo mối quan hệ gắn kết giữa các cơ quan báo chí với cơ sở đào tạo báo chí nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng sự thay đổi của báo chí nước ta.

Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Để nắm bắt được xu thế mới này, rất cần những cuộc trao đổi, toạ đàm để giới báo chí, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng báo chí hiểu sâu hơn về những tác động của cuộc cách mạng 4.0 mang lại, từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Tại toạ đàm, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về những thuận lợi cũng như thách thức của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện nay; công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trước sự phát triển của các trang mạng xã hội, công nghệ làm báo mới và báo chí đa nền tảng; tác nghiệp nhà báo, đạo đức người làm báo trong sự bùng nổ thông tin; công tác đào tạo báo chí trước cuộc Cách mạng 4.0….

Theo TS. Trần Quang Diệu, giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông từng quốc gia, với 3 yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông - như là một hàng hóa, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông.

Theo đó, Cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Chẳng hạn, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AV), hình thành “báo nhúng” trong đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.

Tốc độ và kết quả chuyển đổi của nền báo chí, truyền thông trong thời công nghệ 4.0 phụ thuộc vào mức độ đáp ứng yêu cầu của 5 yếu tố căn bản: kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng môi trường pháp lý cho nền báo chí truyền thông kỷ nguyên số; nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả.

TS. Trần Quang Diệu cho rằng, trong mỗi cơ quan báo chí, nếu chỉ có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt và một nhóm nhà báo trẻ đơn lẻ học cách làm báo công nghệ 4.0 thì chưa đủ. Lãnh đạo tòa soạn, nếu không hiểu về nguyên tắc đa phương tiện và hội tụ truyền thông, không hiểu tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, nguy cơ khủng hoảng trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội,… thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, hiện nay khá nhiều cơ quan báo chí chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trong khu vực, trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin.

Bên cạnh đó, trong thời đại Kỷ nguyên số, một nhà báo hiện đại phải có đủ kỹ năng: vừa biết viết, biết chụp ảnh, biết quay hình, biết sử dụng đồ họa, thậm chí biết cả lập trình.

Nhà báo Lê Quốc Minh, cho rằng, thực tế những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 là rất tiềm năng, hiệu quả xong đòi hỏi ý chí, quyết tâm và cả những đầu tư không nhỏ của lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan báo chí.

“Tuy nhiên, dù có thế nào, điều quan trọng vẫn là cái “tâm” của người làm báo. Nhà báo phải luôn luôn giữ những tiêu chuẩn của người làm báo là sự thật, công bằng và cân bằng. Đó là những điều mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được”, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết.


Theo Chinhphu.vn 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)