Văn phòng

Thứ năm, 01/12/2022 13:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Vị trí, chức năng

Văn phòng Bộ là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp về chương trình, kế hoạch công tác và phục vụ các hoạt động của Bộ; giúp Bộ trưởng tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ đã được phê duyệt; kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; tổ chức thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, quản trị, tài chính, bảo mật, bảo vệ, quân sự, y tế của cơ quan Bộ.

Văn phòng Bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Tổng hợp, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tuần, tháng, quý, năm của Bộ và Bộ trưởng; tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ và Bộ trưởng; đầu mối tổng hợp và lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ gửi các cơ quan của Đảng và Nhà nước theo phân công của Bộ trưởng.

2. Tổng hợp tình hình xử lý công việc theo nhiệm vụ Bộ giao; chuẩn bị nội dung báo cáo giao ban định kỳ của Bộ; thông báo nội dung các cuộc họp do lãnh đạo Bộ chủ trì.

3. Thẩm tra thể thức và trình tự, thủ tục và góp ý vào nội dung văn bản trình Lãnh đạo Bộ ký theo Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.

4. Xây dựng trình Bộ ban hành Quy chế làm việc của cơ quan Bộ; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trong cơ quan Bộ.

5. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các chiến lược, kế hoạch truyền thông theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền thường kỳ về các hoạt động, những thành quả và đóng góp của ngành Xây dựng ở trong và ngoài nước; giúp Bộ trưởng trong việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin của Bộ Xây dựng.

6. Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ; nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất với lãnh đạo Bộ phương hướng, biện pháp xử lý các phản ánh, kiến nghị; đôn đốc các đơn vị được giao giải quyết, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị.

7. Chủ trì triển khai thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan Bộ.

8. Chủ trì tổ chức xây dựng, triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO tại các đơn vị thuộc Bộ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các đơn vị thuộc Bộ; tổng hợp báo cáo Bộ trưởng, các cơ quan chức năng định kỳ hoặc đột xuất về kết quả thực hiện; đề xuất, kiến nghị xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

9. Tổ chức quản lý và điều hành công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, bảo mật, bảo vệ, y tế trong cơ quan Bộ; hướng dẫn thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ đối với các đơn vị thuộc Bộ.

10. Chủ trì tổ chức thực hiện công tac bảo vệ bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng theo quy định pháp luật và các quy chế có liên quan của Bộ.

11. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Văn phòng Bộ theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

12. Quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, kỹ thuật, bảo đảm phương tiện và điều kiện làm việc của cơ quan Bộ và các cơ sở khác khi được giao; tổ chức công tác lễ tân, phục vụ khách trong nước và khách nước ngoài đến làm việc tại cơ quan Bộ theo quy định; bảo đảm trật tự kỷ luật, kỷ cương, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ trong cơ quan Bộ.

13. Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quốc phòng - an ninh của Bộ, quản lý lực lượng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai của cơ quan Bộ; bảo đảm an  ninh trật tự cơ quan; thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ huy quân sự cơ quan Bộ.

14. Chánh Văn phòng Bộ được quyền:

a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ báo cáo, cung cấp tài liệu, số liệu cần thiết phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Bộ và Bộ trưởng;

b) Thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ đến các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện; phân phối công văn, giấy tờ đến các đơn vị để giải quyết công việc kịp thời;

c) Đề nghị lãnh đạo Bộ tạm hoãn hoặc điều chỉnh các cuộc họp của lãnh đạo Bộ chủ trì theo lịch đã ghi nếu kiểm tra thấy việc chuẩn bị nội dung, tài liệu chưa đầy đủ hoặc các thành phần dự họp chưa đúng, đủ theo triệu tập; trả lại văn bản của các cơ quan, đơn vị trình lãnh đạo Bộ khi kiểm tra thấy không đúng thể thức, trình tự, thủ tục hành chính hoặc phát hiện thấy có nội dung không phù hợp;

d) Thông báo về việc thay đổi nhân sự Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;

đ) Theo ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, được triệu tập và chủ trì hội nghị với các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất ý kiến giải quyết một số công việc trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ quyết định;

e) Ký văn bản hành chính và sử dụng con dấu của Văn phòng Bộ theo quy định của pháp luật;

g) Thừa lệnh Bộ trưởng ký một số văn bản theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng;

h) Thực hiện nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí thường xuyên theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin của Bộ.

15. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.

Cơ cấu tổ chức

1. Các đơn vị trực thuộc:

a) Phòng Tổng hợp;

b) Phòng Hành chính - Tổ chức;

c) Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính;

d) Phòng Thông tin và Truyền thông;

đ) Phòng Tài chính - Kế toán;

e) Phòng Quản trị;

g) Văn phòng Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh;

h) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Các phòng có trưởng phòng, phó trưởng phòng và các công chức, người lao động với định biên phù hợp nhu cầu nhiệm vụ công tác của Văn phòng Bộ theo từng thời kỳ. Nhiệm vụ cụ thể của các phòng do Chánh Văn phòng quy định.

Tổ chức và hoạt động của Văn phòng Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định theo đề xuất của Văn phòng Bộ.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức trưởng, phó phòng các đơn vị trực thuộc Văn phòng Bộ do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Bộ phận một cửa có Trưởng bộ phận, Phó trưởng bộ phận và các công chức, viên chức biệt phái làm việc chuyên trách do các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ có thủ tục hành chính cử theo quy định của pháp luật và của Bộ. Trưởng bộ phận và Phó trưởng bộ phận do Bộ trưởng giao nhiệm vụ, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng bộ phận do một đồng chí lãnh đạo Văn phòng Bộ kiêm nhiệm.

2. Lãnh đạo Văn phòng Bộ:

a) Lãnh đạo Văn phòng Bộ có Chánh Văn phòng và một số Phó chánh Văn phòng. Văn phòng Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh do một Phó chánh Văn phòng Bộ phụ trách;

b) Chánh Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Văn phòng Bộ; quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Văn phòng Bộ sau khi thống nhất với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc và điều hành hoạt động của Văn phòng Bộ;

c) Phó chánh Văn phòng Bộ giúp việc Chánh Văn phòng Bộ, chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng Bộ và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Nguồn: Quyết định 1166/QĐ-BXD ngày 01/12/2022

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)