Sản phẩm của ngành Tư vấn xây dựng TVXD là sản phẩm “chất xám” được thể hiện trên các bản báo cáo, các bản vẽ thiết kế, quy hoạch của các dự án, do đó việc phát triển nguồn nhân lực trong ngành TVXD cũng mang một nét đặc thù riêng. Trước đây, ở nước ta chỉ tồn tại các tổ chức, đơn vị khảo sát, thiết kế làm theo kế hoạch, đơn đặt hàng của các bộ, ngành có liên quan của Nhà nước. Sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường hàng loạt các đơn vị tư vấn ra đời tạo ra một ngành kinh doanh mới được Nhà nước và cộng đồng xã hội chính thức thừa nhận: Đó là ngành Dịch vụ TVXD.
Cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực.
Hiện nay các DN tư vấn đã lớn mạnh cả về chất lẫn về lượng bao gồm: Hàng ngàn DN tư vấn lớn nhỏ phân bổ từ Trung ương đến địa phương và cung cấp dịch vụ trong mọi lĩnh vực có hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn thiếu tính đồng bộ, hiện đại của nền kinh tế do vậy các DN tư vấn Việt Nam vẫn đang lúng túng trong định hướng phát triển nguồn nhân lực của mình.
Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng”, tổng công trình sư Nguyễn Cảnh Chất, Chủ tịch Hiệp hội TVXD Việt Nam phân tích: Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO, các tổ chức tư vấn nước ngoài sẽ đến tham gia thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Cùng với những thỏa thuận khu vực và quốc tế trong cung cấp dịch vụ kỹ thuật thì chiến lược phát triển nguồn nhân lực sẽ là nhân tố quan trọng mang tính sống còn của các DN Việt Nam khi cạnh tranh. Sức mạnh của DN tư vấn chính là con người, do vậy nếu không chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, cùng với sự đòi hỏi khắt khe của cơ chế thị trường, các DN tư vấn Việt Nam sẽ thua ngay tại “sân nhà” chứ đừng nói đến việc thâm nhập thị trường nước ngoài như mong mỏi của các DN.
Để phát triển nguồn nhân lực TVXD, ông Nguyễn Cảnh Chất đã khẳng định yếu tố con người là rất quan trọng, quyết định thành công đối với sự phát triển của DN. Do vậy, các DN Việt Nam cần tiếp tục cải tiến phương thức hoạt động của tổ chức cho phù hợp và đáp ứng chuẩn mực của cơ chế thị trường. Đối với các tổ chức tư vấn hiện do Nhà nước quản lý, trừ các đơn vị đặc biệt chưa thể chuyển đổi ngay về mô hình tổ chức còn lại nên chuyển đổi để tránh sự phụ thuộc với cơ quan quản lý Nhà nước về tổ chức dẫn đến ảnh hưởng về hoạt động kinh doanh của DN, hạn chế khả năng cạnh tranh của DN và sự thua kém về trình độ của đội ngũ này. Xây dựng cơ chế hoạt động của DN theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000. Xây dựng “Văn hóa DN” với việc nâng cao ý thức về đạo đức hành nghề cho cán bộ, sao cho gắn bó quyền lợi của cán bộ với quyền lợi của DN để DN luôn giữ được người có tài. Mặt khác phải tích cực tham gia các tổ chức nghề nghiệp để thông qua đó có điều kiện kinh doanh dịch vụ theo phương thức hiện đại. Xây dựng cơ chế tuyển dụng hợp lý để lựa chọn được người có năng lực phục vụ cho DN.
Báo Xây dựng điện tử