Quảng Ngãi: Hơn 335 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hơn 4.300 hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh

Thứ ba, 27/12/2022 15:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Quảng Ngãi có 5 huyện miền núi, diện tích tự nhiên khu vực miền núi khoảng 3.249,32 km2, dân số khoảng 230,7 nghìn người, là địa bàn sinh sống chủ yếu của các dân tộc Hre, Co, Xê đăng (Cadong). Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, nếu như năm 2010, Quảng Ngãi có 6 huyện nghèo (thuộc Chương trình 30a), thì đến năm 2018 có 01 huyện (Sơn Hà) thoát nghèo và hiện nay, toàn tỉnh còn 2 huyện nghèo (Sơn Tây, Trà Bồng).

Tổng giá trị sản xuất khu vực miền núi năm 2020 (tính theo giá so sánh 2010) gấp 1,48 lần so với năm 2016, gấp 6,4 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển. Phương thức sản xuất có bước tiến bộ; tình trạng du canh được xóa bỏ. Các tiềm lực về con người, tài nguyên từng bước được khơi dậy và phát huy giá trị. Hoạt động văn hóa, thông tin, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới. Kết quả giảm nghèo đạt khá (tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 22,01%, cận nghèo giảm còn 11,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trên địa bàn các huyện miền núi đến cuối năm 2020 đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng). Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số có bước được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc. Tuy nhiên, việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều hạn chế. Kinh tế các huyện miền núi phát triển chưa bền vững. Năng suất, chất lượng, giá trị nông sản còn thấp. Đa số người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo nên các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải thiện đời sống, nhà cửa chưa được xây dựng kiên cố, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, do đó các hộ nghèo vẫn chưa có điều kiện thoát nghèo, thậm chí có nguy cơ tái nghèo cao.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở khảo sát, đánh giá từ cơ sở và hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện của tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ nhà ở cho khoảng 4.345 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (Trà Bồng, Sơn Tây) để có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm; không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

Tổng số vốn để thực hiện Đề án là 335.472,0 triệu đồngTrong đó: ngân sách Trung ương: 147.880,0 triệu đồng; ngân sách địa phương: 22.182,0 triệu đồng; vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ và chính bản thân hộ gia đình được hỗ trợ: 165.410,0 triệu đồng.

Việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện hỗ trợ theo Quy chế 05/QC-MTTQ-BTT ngày 24/01/2018 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quy định Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tỉnh Quảng Ngãi huy động từ nhiều nguồn lực để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở (bao gồm xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có yêu cầu).

Chính quyền địa phương các xã, các huyện nghèo có trách nhiệm tổ chức thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghẻo, hộ cận nghèo đúng mục tiêu, đối tượng, nội dung hỗ trợ và đúng theo quy định hiện hành;  thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở thuộc diện đối tượng được hỗ trợ; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở đạt chất lượng theo quy định sau khi được hỗ trợ, góp phần thực hiên mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Quangngai.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)