Khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng ở Hà Nội

Thứ tư, 18/07/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bên cạnh một số tuyến đường mới khang trang, TP Hà Nội vẫn còn không ít tuyến phố, nút giao thông tuy mới được xây dựng, cải tạo, nhưng bộ mặt kiến trúc lộn xộn, nhếch nhác, gây lãng phí đầu tư, bức xúc trong dư luận.

Những năm gần đây, TP Hà Nội tập trung triển khai xây dựng nhiều tuyến đường, nút giao thông mới nhằm cải tạo hạ tầng giao thông đô thị, giúp người dân đi lại thuận tiện. Bên cạnh một số tuyến đường mới khang trang, vẫn còn không ít tuyến phố, nút giao thông nằm trong khu vực nội thành như đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng... tuy mới được xây dựng, cải tạo, nhưng bộ mặt kiến trúc lộn xộn, nhếch nhác, gây lãng phí đầu tư, bức xúc trong dư luận.


Ðường đẹp, nhà xấu

Tháng 10-2005, TP Hà Nội khởi công xây dựng dự án đường vành đai một, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Ðến nay, dự án cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, chỉ còn lại khu vực ở cuối đường chưa hoàn tất do công tác thám sát khảo cổ di tích Ðàn Xã Tắc. Ðây là con đường hiện đại, xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị, rộng 50 m với bốn làn xe, vỉa hè mỗi bên rộng 7,5 m, lắp đặt đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển giao thông đô thị Hà Nội chủ đầu tư dự án, tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường dài này là 773 tỷ đồng, với chiều dài chỉ 1.085 m. Mức đầu tư lớn như vậy đã khiến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa được mệnh danh là "con đường đắt nhất hành tinh".

Thế nhưng, trên thực tế, những người hằng ngày đi qua con đường hiện đại, chi phí tốn kém này đều cảm nhận thấy một điều: kiến trúc mặt tiền tuyến đường quá xấu, và lộn xộn. Những ngôi nhà đủ các hình dạng từ hình vuông, hình chữ nhật đến vẹo vọ như hình tam giác, hình bình hành, hình thang... với đủ kích thước, diện tích từ 20 m2 đến cả trăm m2... mọc lên cao, thấp khác nhau. Không chỉ chênh nhau về chiều cao, mà cốt nền các nhà cũng lệch nhau. Có dãy nhà cao hơn mặt hè đường từ 80 cm cho đến 1 m, mỗi lần dắt xe máy ra vào phải dựng cầu dẫn dốc ngược. Nhà cố nhoi ra, nhà thì tụt vào trong. Mầu sắc các ngôi nhà cái sơn nâu, cái sơn vàng, cái sơn xanh, cái sơn đỏ... chướng mắt nhất là những ngôi nhà siêu mỏng xây trên những thẻo đất còn sót lại sau giải phóng mặt bằng GPMB, điển hình như dãy sáu ki-ốt dài 18 m, chiều sâu chỉ từ 0,5 m đến 2,3 m, nằm trên địa bàn phường Nam Ðồng, xây dựng giữa tuyến đường mới.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực chung quanh nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng mới được cải tạo, nằm ở các cửa ngõ ra vào thành phố.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Trước hết là do chủ các công trình cố tình không chấp hành theo Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, thiếu chủ động trong việc hợp thửa, hợp khối, chuyển nhượng. Chính quyền quận, phường chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong khi một số quy định, cơ chế của Nhà nước như việc thu hồi các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng, yêu cầu hợp thửa... chưa đầy đủ, thiếu các biện pháp thích ứng với các tình huống đa dạng của thực tế.

Ðại diện chính quyền phường sở tại, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Ðồng Trần Thu Thủy trình bày những khó khăn trong công tác quản lý cấp cơ sở như cán bộ mỏng, nhiệm vụ rất nặng nề, vừa lo GPMB, vừa lo quản lý trật tự xây dựng sau GPMB, cho nên không tránh khỏi sai sót. Hiện nay, chính quyền phường đang vận động những trường hợp này  thực hiện việc chuyển nhượng, hợp thửa đất, thời hạn cuối cùng cho việc này là hết tháng 7. Sau thời điểm này, nếu việc chuyển nhượng không thành công, quận sẽ thu hồi diện tích nhỏ, lẻ mặt đường để sử dụng mục đích công cộng.

Giải thích về thực trạng kiến trúc lộn xộn trên tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Phó Chủ tịch Thủy cho biết: Chính quyền cấp phường được giao quản lý các hộ dân không xây lấn chỉ giới đường, xây theo cốt cao độ mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã ban hành, nhưng trong quá trình quản lý gặp nhiều khó khăn do hơn 70% số mốc giới cắm thực địa từ năm 2001 đã bị mất. Cao độ cốt nền, cốt sàn xây dựng tuy được Sở Quy hoạch - Kiến trúc ban hành, nhưng khó có thể xác định tại thực địa, khiến cho các hộ dân dò dẫm làm, không tránh khỏi sai sót. Ngoài ra, còn có một số hộ dân xây nhà kiên cố, sau khi GPMB thì bị cắt xén một phần, phải chỉnh trang diện tích còn  lại. Các trường hợp này cũng không tuân thủ việc xây dựng theo đúng cao độ cốt nền đã quy định. Những vướng mắc này cộng với sự buông lỏng quản lý, xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền phường, quận đã dẫn đến hậu quả làm xấu bộ mặt kiến trúc của một tuyến phố có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông ở Thủ đô, gây bức xúc trong dư luận.

Giải pháp khắc phục

Vậy, giải pháp nào để khắc phục triệt để thực trạng nêu trên, để những con đường mới mở luôn có được bộ mặt kiến trúc khang trang, đồng bộ?

Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định: Trước hết, là phải triển khai đồng thời mở đường và quy hoạch xây dựng tuyến phố. Chủ trương này đã được thành phố đặt ra từ khá lâu. Tuy nhiên, việc thực hiện còn rất khó khăn. Những năm gần đây, thành phố mới kết hợp làm đồng bộ việc mở đường, xây dựng các công trình hai bên đường theo quy hoạch ở những tuyến đường mới ở khu vực ngoại thành hoặc vùng ven đô, dân cư ít như tuyến Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Phong Sắc... Các tuyến đường, các nút giao thông mới xây dựng, cải tạo trong khu vực nội thành, đông dân cư chưa thực hiện được do sự eo hẹp về nguồn lực tài chính, phức tạp trong công tác thu hồi đất, GPMB ở khu vực nội thành và các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chưa hoàn thiện.

Tiếp theo, trong quá trình GPMB cần thống kê, xác định các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng để vận động các hộ dân hợp thửa hoặc thu hồi phục vụ mục đích công cộng. Các trường hợp cố tình vi phạm cần được xử lý nghiêm. Mặt khác, cần bổ sung, chỉnh sửa các quy định, cơ chế cho thích ứng với các tình huống đa dạng của thực tế, tạo chính sách thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy hoạch.

Thời gian tới, thành phố xây dựng nhiều tuyến đường như đường vành đai hai đoạn từ Bưởi đến Nhật Tân, đường vành đai 2,5 đoạn từ Bệnh viện Không quân đến Kim Ngưu, đường nối từ phố Lê Văn Lương đến phố Nguyễn Phong Sắc, đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài..., nghiên cứu quy hoạch hai bên đường vành đai một đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục.

Ðồng thời với việc mở đường, thành phố tiến hành  xây dựng công trình hai bên tuyến đường theo đúng quy hoạch, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, để những tuyến đường mới mở thật sự là những công trình đẹp, đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội, xứng đáng là niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô. 

Theo Báo HNM
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)