Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành cổ Cổ Loa (tỷ lệ 1:2000)

Thứ tư, 23/07/2014 14:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 23/7/2014, tại Bộ Xây dựng, Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành cổ Cổ Loa đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn - Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh; đại diện Cục Di sản, đại diện Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa, cùng đông đủ các thành viên Hội đồng đến từ các Bộ ngành TW, các Hội nghề Việt Nam và một số Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn chủ trì Hội nghị thẩm định

Báo cáo tóm tắt nội dung Đồ án, đại diện Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia (VIUP) – cơ quan lập đồ án – đã nêu rõ sự cần thiết cũng như các cơ sở pháp lý của đồ án. Theo đó, quy hoạch chi tiết Khu di tích thành cổ Cổ Loa tỷ lệ 1:2000 đã được phê duyệt năm 2002 tại Quyết định 173/2002/QĐ – UB.Năm 2012, Khu di tích mới được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt, là một trong 34 di tích Việt Nam có giá trị tiêu biểu quốc gia. Trải qua nhiều năm tháng, hiện trạng xuống cấp và mất dấu di sản; song song đó là tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ đã và đang đe dọa tính toàn vẹn của Khu di tích chính là lý do cho những đòi hỏi cấp bách về một chính sách bảo tồn tổng thể. Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/8/2012 tại Quyết định 1083/QĐ-TTg. Đây chính là căn cứ pháp lý để VIUP tiến hành lập Đồ án.

Trong Đồ án, tư vấn đã xác định mục tiêu nổi bật nhất của quy hoạch lần này là xây dựng một lộ trình khả thi để Khu di tích trở thành một “Công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn của Thủ đô Hà Nội”. Đây là một bước tiến cơ bản trong chủ trương của TW đối với địa bàn, nêu bật giá trị của khu di tích không chỉ về mặt lịch sử, mà là phức hợp các giá trị dân cư và môi trường.

Trên tinh thần đó, VIUP đã thực hiện đồ án bài bản, với nội dung thể hiện ở 03 phần riêng biệt: quy hoạch phân khu tỷ lệ 1:2000 Khu di tích thành Cổ Loa; đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích; quy chế quản lý đầu tư xây dựng, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa. Tư vấn đã đánh giá khá kỹ hiện trạng Khu di tích (điều kiện tự nhiên, hiện trạng dân cư, hiện trạng sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan kiến trúc và môi trường…), đánh giá thực trạng triển khai quy hoạch năm 2002 và các dự án liên quan; trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp quy hoạch và thiết kế đô thị…

Các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí đánh giá cao sự công phu cũng như khối lượng công việc đồ sộ mà tư vấn đã thực hiện trong quá trình lập đồ án. Các thành viên Hội đồng đặc biệt lưu ý tư vấn về tính khả thi của đồ án thông qua một số vấn đề như giải tỏa dân cư, khả năng tài chính, quy mô đất…Tư vấn cần bám sát định hướng quy hoạch mở, và xây dựng Khu di tích thành công viên sinh thái đặc trưng của Thủ đô. Các số liệu, tên bản vẽ, bảng biểu cũng cần dược rà soát cho chính xác và thống nhất, để Đồ án mang tính thuyết phục. Lãnh đạo UBND huyện Đông Anh - địa phương thụ hưởng thành quả của Đồ án – và đại diện Cục Di sản, đại diện Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa đều chung quan điểm: vấn đề giãn dân – di dân cần được chú trọng để đảm bảo thành công cho Đồ án

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhận định: đây là một Đồ án phức tạp, liên quan tới di tích đặc biệt, song đã được tư vấn thực hiện tốt. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị tư vấn trong Đồ án cần cụ thể hóa các giải pháp di dời dân cư; chỉnh trang đảm bảo mỹ quan, cảnh quan Khu di tích; chú ý nghiên cứu quy hoạch cụ thể trục đường chính vào Khu di tích, với khu vực chợ, bãi đỗ xe trên trục này. Về du lịch, Thứ trưởng gợi ý chỉ nên tập trung vào những tuyến du lịch chính, tránh dàn trải. Việc xây dựng các công trình mới như bảo tàng, việc phục chế di tích nên có sự cân nhắc kỹ của tư vấn và địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn giao tư vấn khẩn trương tiếp thu chỉnh sửa Đồ án trong vòng 01 tháng theo ý kiến đóng góp của các Bộ ngành, có văn bản giải trình, đồng thời cô đọng hơn nội dung các phần trong Đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sắp tới.

Phòng TT-TL

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)