Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hải Dương gửi tới sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV

Thứ ba, 27/09/2022 17:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV kèm theo Công văn số 5060/VPCP-QHĐP ngày 10/8/2022 của Văn phòng Chính phủ với nội dung kiến nghị: Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thảo luận, tìm ra giải pháp giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị và thành phố lớn hiện nay.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có công văn 4353/BXD-HTKT có ý kiến như sau:

Công tác quản lý thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị Việt Nam là nhiệm vụ được quan tâm chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực trong những năm gần đây. Bên cạnh nhiều dự án thoát nước lớn được đầu tư tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,… thì ngày càng có nhiều dự án thoát nước được đầu tư các đô thị nhỏ hơn như Hạ Long, Nha Trang, Quy Nhơn, Đồng Hới,…Các dự án đi vào hoạt động đã và đang từng bước phát huy tác dụng giảm ô nhiễm môi trường nước và góp phần giảm mức độ ngập úng tại các đô thị. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được giải quyết căn bản. Bộ Xây dựng đánh giá nguyên nhân ngập úng để có các giải pháp trước mắt và lâu dài khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị và thành phố lớn như sau:

1. Về nguyên nhân ngập úng:

- Khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước

Hệ thống thoát nước tại một số thành phố lớn như Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh hầu hết được xây dựng trên nền các đô thị cũ, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch thoát nước được phê duyệt. Bên cạnh đó, tính dự báo của các quy hoạch thoát nước hiện nay không theo kịp thực tiễn của tác động biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan. 

- Phát triển đô thị hoá và đồng bộ mạng lưới thoát nước

Quá trình đô thị hoá nhanh dẫn đến tình trạng bê tông hoá, san lấp ao hồ, các vùng đất trũng kéo theo giảm khả năng thấm nước, lưu trữ nước làm tăng sự tập trung nước mưa gây tràn cống mạng lưới thoát nước.

Hệ thống thoát nước tại các đô thị hiện nay hầu hết là hệ thống thoát nước của các đô thị cũ. Việc đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống giữa mạng lưới đường cống thoát nước cũ và đường cống thoát nước mới trong thời gian vừa qua còn hạn chế kinh phí trong đầu tư công trình thoát nước. Ngoài ra việc kết nối thoát nước giữa mạng lưới thoát nước đô thị và tiêu thoát nước thuỷ lợi (kênh, mương, sông,…) chưa được tổ chức quản lý bài bản mà chủ yếu tự chảy hoặc bơm thoát nước thủ công.

- Dòng chảy của công trình thoát nước bị thu hẹp

Hệ thống thoát nước của các đô thị chủ yếu là hệ thống thoát nước chung nên không tránh khỏi hiện tượng tắc nghẽn tại một số điểm tập trung đông dân cư do người dân vứt rác, bịt miệng hố thu nước. Trong khi đó, công tác duy tu, vớt rác, khơi thông dòng chảy của đơn vị thoát nước không liên tục. Việc miệng hố thu thoát nước bị tắc ảnh hưởng không nhỏ đến việc thoát nước dòng chảy nhất là khi có các trận mưa lớn xảy ra.

- Nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước

Nguồn vốn đầu tư cho phát triển thoát nước và xử lý nước thải còn thiếu, phần lớn nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thoát nước đô thị chủ yếu sử dụng từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước trong khi việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách khó khăn nên nguồn lực thu hút đầu tư còn hạn chế.

Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thoát nước và xử lý nước thải là một trong năm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, tuy nhiên còn thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể. Do đó, các nhà đầu tư hầu như chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực thoát nước theo hình thức PPP vì vốn đầu tư bỏ ra rất lớn, vòng đời dự án lâu, nguồn thu về sau đầu tư không ổn định và nhỏ lẻ nên việc thu hút đầu tư khó khăn.

2. Về giải pháp khắc phục:

- Giải pháp trước mắt

Đơn vị quản lý thoát nước tại các địa phương cần chủ động chuẩn bị và phương án xử lý tại các vị trí, tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và chuẩn bị ứng phó ngập úng.

Duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, khơi thông dòng chảy, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước đạt năng lực thoát nước 100%.

Tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương (khoản 7 Điều 60 Luật Tài nguyên nước) để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước; quyết liệt chỉ đạo và tập trung nguồn lực để hoàn thành dứt điểm các dự án thoát nước hiện đang triển khai đầu tư xây dựng.

- Giải pháp lâu dài

Rà soát điều chỉnh quy hoạch thoát nước, tính toán lại hệ thống thoát nước. Cập nhật danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào quy hoạch nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước phòng chống ngập úng. Quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ.

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thoát nước. Tập trung nguồn lực, xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch.

Tăng cường các giải pháp phi công trình, tăng diện tích và dung tích chứa nước, điều hòa, hạn chế việc cống hóa các dòng sông, suối, kênh, mương trong đô thị, giảm thiểu ngập úng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước.

3. Về phía Bộ Xây dựng:

Trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hợp tác quốc tế (GIZ, JICA, WB,…) và các địa phương tổ chức các buổi hội thảo về Giải pháp thiết kế hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững và cũng đã xuất bản các ấn phẩm liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải như Hướng dẫn áp dụng thiết kế Hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững (Nhà xuất bản Xây dựng, năm 2019); Hướng dẫn lập Quy hoạch thoát nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (Nhà xuất bản Xây dựng, năm 2020). Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại 03 đô thị: Cà Mau, Rạch Giá và Long Xuyên lập quy hoạch thoát nước có lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; thiết kế và xây dựng thí điểm xử lý 03 điểm ngập úng cục bộ triển khai theo mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững (trong thời gian từ năm 2017 - 2019), đến nay đã bước đầu thu được những đánh giá và kinh nghiệm phù hợp cho giải pháp này tại Việt Nam.

Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022 đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có vùng đô thị lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,...) rà soát, đánh giá thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị nhằm ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Theo đó, hiện nay Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị để tiếp tục hướng dẫn các địa phương tiếp cận giải pháp thoát nước bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4353/BXD-HTKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)