Xã hội hóa trong xử lý chất thải rắn

Thứ hai, 02/02/2015 15:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, với tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá, gia tăng dân số... khối lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh ngày càng tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở xử lý và bãi chôn lấp quá tải khiến công tác quản lý CTR còn đang phải đối mặt với những tồn tại, thách thức. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã chủ động triển khai và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác quản lý CTR.

Một khu xử lý chất thải rắn tại Thái Bình

Hơn 90% các tỉnh đã lập và phê duyệt quy hoạch

Năm 2014, Bộ Xây dựng chỉ đạo việc lập quy hoạch quản lý CTR 3 vùng lưu vực sông và cho đến nay đã hoàn thành và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2/3 quy hoạch này bao gồm quy hoạch quản lý CTR lưu vực sông Cầu và lưu vực sông Đồng Nai. Đối với quy hoạch quản lý CTR lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã hoàn thành và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo việc lập điều chỉnh Quy hoạch xử lý CTR vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đội ngũ tư vấn đang trong quá trình tổng hợp, đánh giá và phân tích hiện trạng, làm việc với các địa phương về nội dung quy hoạch. Dự kiến, cuối năm 2015 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh của các địa phương đã có nhiều chuyển biến. Cho đến nay đã có 54/63 địa phương lập và phê duyệt quy hoạch quản lý CTR, đây là cơ sở quan trọng phục vụ công tác quản lý và kêu gọi đầu tư.

Tại khu vực nông thôn đã có 96,3% xã nông thôn hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nội dung quy hoạch quản lý CTR đã được lồng ghép trong các quy hoạch này. Việc xác định cụ thể vị trí các điểm trung chuyển/điểm tập kết rác, vị trí khu vực xử lý đã được làm rõ trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Thu gom, xử lý CTR được đổi mới

Hiện nay, tỷ lệ dân số đô thị chiếm khoảng 35% tổng số dân. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn trung bình của các đô thị đã tăng hàng năm, năm 2014 đạt khoảng 84% - 84,5% (tăng hơn 3% so với năm 2010) đáp ứng mục tiêu đạt ra trong Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Việc đổi mới trong mô hình quản lý, phương thức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đã tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực này. Trong 5 năm trở lại đây, đã có hơn 26 cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung được đầu tư xây dựng theo quy hoạch và tập trung xử lý CTR cho đô thị, với tổng công suất thiết kế là 6.015 tấn/ngày, diện tích đất sử dụng 342 ha.

Chi phí cho công tác xử lý CTR đô thị đã được quan tâm hơn, mức hỗ trợ xử lý CTR trung bình vào khoảng từ 240.000 – 400.000 đồng/tấn (khoảng 11 – 18 USD/tấn). Nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt đô thị hiện nay do Nhà nước bù đắp một phần từ nguồn thu phí vệ sinh trên địa bàn. Mặc dù, trong năm qua các địa phương đã điều chỉnh lại phí vệ sinh, tuy nhiên mức thu còn thấp (4.000 – 6.000 đ/người/tháng hoặc từ 10.000 – 20.000 đ/hộ/tháng) và nguồn thu từ phí vệ sinh chỉ đủ bù đắp một phần công tác thu gom, vận chuyển CTR mà chưa tính đến chi phí xử lý CTR.

Tổng mức đầu tư (theo thống kê của 26 dự án) khoảng 4399 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 952 tỷ; vốn ngân sách nhà nước 340 tỷ đồng; vốn vay ưu đãi 661 tỷ và vốn tư nhân khoảng 2446 tỷ đồng. Qua các con số thống kê cho thấy trong thời gian vừa qua khu vực tư nhân tham gia vào quá trình đầu tư xử lý chất thải rắn chiếm tỷ trọng khá cao (55%).

Tại khu vực nông thôn, hiện nay tỷ lệ dân số nông thôn khoảng trên 65% dân số toàn quốc, CTR sinh hoạt ở các vùng nông thôn trong cả nước khoảng 31.500 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom trung bình chỉ đạt 40 - 50%. Tại các thị trấn, thị tứ, các vùng ven đô tỷ lệ thu gom vận chuyển đạt khá cao khoảng 60 -80%. Hình thức xử lý CTR thường được sử dụng hiện nay là chôn lấp hoặc đốt. Hiện nay, việc xử lý CTR khu vực nông thôn đã thu hút sự tham gia đầu tư của các Cty tư nhân. Một số nơi đã đầu tư lò đốt công suất nhỏ công nghệ trong nước hoặc nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc với quy mô công suất nhỏ 8-10 tấn/ngày, bước đầu giải quyết cấp bách tình trạng xử lý CTR sinh hoạt nông thôn hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng cho biết: Nhìn chung công tác quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn tại các đô thị đã có chuyển biến tích cực, nhiều đô thị đã thực hiện khá tốt công tác thu gom chất thải rắn với tỷ lệ đạt cao Hà Nội, TP Hồ chí Minh, Đà nẵng... tỷ lệ thu gom đạt 95-100%. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tích cực tham gia và hoạt động có hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải (như ở TP Hồ Chí Minh 50% lượng rác thải thu gom do tư nhân đảm nhận) đồng thời mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn với quy mô trung bình (như ở Hà Nội, Công ty môi trường Thăng Long đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tại Xuân Sơn – Sơn Tây sử dụng công nghệ đốt thu hồi năng lượng với công suất 400.000t/ngđ).


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)