Trong số 11 xã xây dựng nông thôn mới thuộc TP Đà Nẵng, hiện có 2 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 5 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 4 xã đạt từ 5-8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các tiêu chí đã hoàn thành 100% là: điện, bưu điện, an ninh trật tự, y tế. Hai tiêu chí khó đạt là cơ sở vật chất văn hóa và môi trường.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Đà Nẵng, trong năm 2012, tổng vốn đầu tư cho chương trình nông thôn mới trên địa bàn ước đạt 146,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, dưới các hình thức huy động cộng đồng chung tay xây dựng nông thôn mới, đã có 34 tổ chức, đơn vị, đoàn thể ký kết giao ước giúp đỡ 11 xã giai đoạn 2012-2015 với số tiền gần 18 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng, hỗ trợ dân sinh, phát triển sản xuất; và hơn 3 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi hỗ trợ bà con sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hiện Đà Nẵng đã hoàn thành công tác qui hoạch chung và công bố qui hoạch tại 11/11 xã. Dự kiến, công tác lập qui hoạch chi tiết sẽ được hoàn thiện và phê duyệt vào cuối năm 2012.
Nhận thức được vai trò làm chủ nông thôn, nhiều hộ dân đã tự nguyện góp công góp của với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, hiến 1.300 m2 đất, tháo dỡ tường rào cổng ngõ để mở rộng đường giao thông trong địa bàn mình sinh sống.
Mặt khác, với đặc trưng “làng trong phố”, nông thôn Đà Nẵng không tránh khỏi áp lực đô thị hoá. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, … vẫn là bài toán khó đối với chính quyền TP nhằm hướng đến hoàn thiện 19 tiêu chí một cách bền vững.
Hiện Đà Nẵng đang đề xuất Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện một số chương trình, dự án cụ thể trong năm 2013 như: đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật vùng nuôi thủy sản tập trung (tại xã Hòa Liên); kiến nghị hỗ trợ kinh phí và kĩ thuật để thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp: trồng cây ăn quả, trồng nấm, sản xuất lúa chất lượng cao; nuôi cá nước ngọt theo VietGAP; trồng hoa kỹ thuật cao; nuôi gà sinh sản an toàn sinh học.
Theo Chinhphu.vn