QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 112/2002/QĐ-TTG
NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 2002 PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (tờ trình số 07/TTr-BXD ngày 21 tháng 02 năm 2002 và công văn số 160/BXD-VP ngày 19 tháng 7 năm 2002),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:
1. Về mục tiêu.
A) Mục tiêu tổng quát:
Nâng cao chất lượng kiến trúc, tạo lập môi trường cư trú bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình hình thành và phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
B) Mục tiêu cụ thể:
Nghiên cứu, xác lập cơ sở lý luận về tính hiện đại và tính dân tộc của kiến trúc Việt Nam;
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong giới Kiến trúc sư và toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, phương hướng và nhiệm vụ phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc;
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống và bản sắc dân tộc của kiến trúc nước nhà trong xu thế toàn cầu hóa;
Đào tạo, xây dựng đội ngũ Kiến trúc sư có đủ đức, đủ tài, có bản lĩnh nghề nghiệp; coi trọng và chăm lo đào tạo những Kiến trúc sư đầu ngành;
Xây dựng chính sách hành nghề kiến trúc phù hợp để các Kiến trúc sư có thể sáng tạo được nhiều tác phẩm kiến trúc có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của con người và xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước;
Phát huy vai trò của dân cư, cộng đồng trong việc tham gia phát triển kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc và tạo lập môi trường cư trú bền vững;
Tăng cường quản lý nhà nước về kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
2. Về quan điểm.
Kiến trúc phục vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Phát triển kiến trúc phải phù hợp với đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phù hợp với điều kiện tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái; phục vụ nhân dân, coi trọng lợi ích của toàn xã hội; áp dụng có chọn lọc các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại và thích hợp; đảm bảo kiến trúc phát triển bền vững.
3. Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020.
A) ở khu vực đô thị.
Phát triển và hình thành tổng thể kiến trúc ở khu vực đô thị trên cơ sở phân bố và phát triển hệ thống đô thị theo Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 1998.
Tổng thể kiến trúc của mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các đồ án quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng thể kiến trúc của mỗi đô thị phải kết hợp hài hoà giữa cải tạo với xây dựng mới; đổi mới môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống, nhưng không làm mất đi bản sắc riêng.
Hình thành kiến trúc đô thị phải coi trọng nguyên tắc gắn công trình riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của đô thị; đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Mọi việc cải tạo, xây dựng mới trong đô thị phải tuân thủ các quy định về quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị.
B) ở khu vực nông thôn.
Phát triển kiến trúc tại các làng, xã có liên quan trực tiếp với cơ cấu quy hoạch chung của các đô thị phải được dựa trên quy hoạch chi tiết xây dựng, có sự tham gia của dân cư và cộng đồng; lưu ý giữ lại những di sản kiến trúc, thiên nhiên của làng, xã; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Công trình mới được tạo lập phải tuân thủ các quy định về quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị.
Hình thành tổng thể kiến trúc tại các thị tứ, trung tâm xã, cụm xã trên cơ sở tuân thủ các quy định của quy hoạch xây dựng; khuyến khích phát triển các công trình xây dựng ít tầng, mái dốc, kế thừa hình thức kiến trúc truyền thống, gắn bó hài hoà với khung cảnh thiên nhiên, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.
Phát triển kiến trúc tại các làng, xã cần lưu ý bảo tồn các truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai; từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và phát triển các công trình kiến trúc mới có chất lượng phù hợp.
C) Phát triển kiến trúc các thể loại công trình.
Phát triển kiến trúc các thể loại công trình theo phương châm: thích dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường sinh thái và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tinh thần và vật chất của con người, xã hội; đảm bảo tính dân tộc và tính hiện đại, quán triệt nguyên tắc phát triển bền vững, tạo lập môi trường sống tốt đẹp cho mọi người, phát huy hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội và môi trường trong thiết kế, thi công và quản lý sử dụng công trình, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, vươn lên đạt trình độ tiên tiến quốc tế.
Kiến trúc nhà ở phải đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường cư trú, thoả mãn các yêu cầu sinh hoạt đa dạng của dân cư; phấn đấu đến năm 2020 thực hiện được các chỉ tiêu cơ bản phát triển nhà ở.
Kiến trúc công cộng phải thể hiện tổng hợp các yếu tố quy hoạch, cảnh quan đô thị, văn hóa nghệ thuật, kỹ thuật đạt tới trình độ tiên tiến trong khu vực. Các công trình trọng điểm nhà nước phải đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.
Kiến trúc công nghiệp phải coi trọng việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong và ngoài nước đối với tổ chức không gian, môi trường sản xuất và quản lý. Các công trình công nghiệp lớn phải đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.
Nâng cao chất lượng thiết kế điển hình kiến trúc; tiêu chuẩn hoá cấu kiện xây dựng; thực hiện công nghiệp hóa và thương mại hóa cung cấp sản phẩm cho thị trường xây dựng.
Kiến trúc công trình ngầm phải được coi trọng trong quy hoạch, thiết kế xây dựng; quán triệt nguyên tắc kết hợp sử dụng trong thời bình và thời chiến; hình thành hệ thống không gian công cộng ngầm gắn kết với các công trình trên mặt đất.
4. Những nhiệm vụ chủ yếu.
- Tăng cường nghiên cứu lý luận và phê bình kiến trúc;
- Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch xây dựng và hình thành chuyên ngành thiết kế đô thị;
- Đổi mới công nghệ thiết kế, nâng cao chất lượng các tác phẩm kiến trúc, thoả mãn các yêu cầu sử dụng cơ bản của xã hội;
- Phát triển kiến trúc đi đôi với kiểm soát phát triển kiến trúc, đảm bảo trật tự kiến trúc và trật tự xây dựng trong quá trình phát triển;
- Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản kiến trúc trong quá trình hội nhập và xu thế toàn cầu hóa.
5. Những chính sách và giải pháp lớn thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển kiến trúc;
- Mở rộng cuộc vận động nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng dân cư;
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các hội nghề nghiệp và của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Tổ chức, sắp xếp lại lực lượng nghiên cứu, phê bình, tư vấn và thiết kế gắn với hoạt động hành nghề kiến trúc sư;
- Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc;
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ Kiến trúc sư có đức, có tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển kiến trúc;
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế;
- Xây dựng chương trình khung và kế hoạch hành động chi tiết đến năm 2005 và 2010 để tổ chức thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020.
Điều 2.
1. Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020; xây dựng Chương trình khung thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.
2. Các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội theo trách nhiệm, chức năng, quyền hạn của mình có kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.