Đồng Nai quy hoạch đô thị gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thứ năm, 18/07/2024 13:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Theo Đề án quy hoạch số 586/QĐ-TTg vừa được phê duyệt vào ngày 3/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Đồng Nai lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới của tỉnh gồm khu vực đô thị sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai.

Thi công khu tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: K.V)

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành, với vùng khu vực chức năng đặc thù sân bay Long Thành có quy mô vùng là 9.260 ha nằm trên xã Cẩm Đường và một phần các xã Long An, Long Phước, Bình Sơn và Bàu Cạn. Riêng đối với diện tích 5.000 ha sân bay Long Thành được quy hoạch khi hoàn thành sẽ có công suất phục vụ 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ cũng nêu rõ “tứ giác đô thị động lực” quanh sân bay Long Thành hình thành trong tương lai. Theo Đồ án quy hoạch, phương án phát triển các khu vực có vai trò động lực của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới của tỉnh này gồm khu vực đô thị sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai.

Đối với khu vực đô thị sân bay Long Thành: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng. Phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tại huyện Long Thành: Phát triển khu đô thị tại phía Tây Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép - Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh.

Tại huyện Nhơn Trạch: Phát triển chuỗi đô thị - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng biển Phước An, trung tâm thành phố Hồ Chí Minh; phát triển tuyến dịch vụ - du lịch kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Tại huyện Cẩm Mỹ: Phát triển khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Sông Nhạn tại cửa ngõ phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Liên quan đến vấn đề này, tỉnh Đồng Nai cũng vừa tổ chức Hội nghị thảo luận quy hoạch xây dựng Vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đồ án quy hoạch, Vùng huyện Long Thành có diện tích hơn 43.000 ha, hướng đến xây dựng một vùng phát triển kinh tế động lực trung tâm của tỉnh Đồng Nai, là cực phía Đông của thành phố Hồ Chí Minh; đầu mối giao thông quốc tế của vùng quốc gia với các thế mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị, dịch vụ, thương mại của vùng quốc gia với các thế mạnh là phát triển đô thị, dịch vụ - thương mại, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chuyên canh.

Vùng huyện Long Thành sẽ phát triển trên 5 chiến lược, trong đó 3 đô thị Long Thành, Bình Sơn, Phước Thái gắn với khu vực sân bay Long Thành, hệ thống cảng Gò Dầu và các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành. Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến vào đồ án quy hoạch Vùng huyện Long Thành như: cần có thêm khu triển lãm, trung tâm hội nghị quốc tế tại thành phố sân bay Long Thành; dự trữ quỹ đất chung quanh sân bay để phát triển trong tương lai; tính toán phát triển các khu dịch vụ, thương mại cao cấp và dự trữ quỹ đất quanh sân bay Long Thành để đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp, du khách.

Quy hoạch định hướng khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng và lợi thế của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia và vùng trên địa bàn để phát triển không gian đô thị, khu chức năng phù hợp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất. Hướng tới đưa Long Thành trở thành một trong các đô thị trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và vùng động lực phía Nam, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.

Phối cảnh đô thị Long Thành - Đồng Nai

Đô thị Long Thành cũng được xác định là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai, có vai trò là một trong các đô thị trọng điểm của vùng động lực phía Nam và tiểu vùng trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, đô thị động lực để phát triển kinh tế, xã hội tại vùng đô thị trung tâm tỉnh Đồng Nai. Đồng thời là đô thị gắn kết với sân bay Long Thành trở thành khu vực cửa ngõ của quốc gia đối với quốc tế, là trung tâm dịch vụ hậu cần hỗ trợ sân bay Long Thành, trung tâm logistics, kho vận, công nghiệp đa ngành, công nghiệp, công nghệ cao của vùng Đông Nam Bộ.

Về mục tiêu, đô thị Long Thành sẽ phát triển đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2030 và sau năm 2030 hướng tới đô thị loại II. Về quy mô dân số, dự báo đến năm 2030 đô thị Long Thành có quy mô dân số khoảng 340-370 ngàn người và dự báo đến năm 2045 có quy mô khoảng 480-500 ngàn người.

Được biết, theo quy hoạch, trong tương lai Đồng Nai sẽ hình thành “tứ giác đô thị động lực” xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành (thành phố sân bay). Biên Hòa được xác định trở thành đô thị tập trung tâm phát triển thương mại – dịch vụ có quy mô lớn, du lịch kết hợp với cảnh quan sông Đồng Nai. Thành phố Long Thành là đô thị thông minh, trung tâm thương mại – dịch vụ, giao lưu quốc tế, là đầu mối giao thông kết nối toàn vùng, đồng thời hình thành các khu logistics, khu công nghiệp công nghệ cao./.

Nguồn: Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)