Thành phố Buôn Ma Thuột tập trung phát triển nền tảng hạ tầng số và các dịch vụ đô thị thông minh

Thứ sáu, 15/09/2023 15:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sau gần 2 năm triển khai xây dựng đô thị thông minh, chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột đã tập trung đầu tư phát triển 3 trụ cột - Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào tiện ích đô thị thông minh, giám sát việc giải quyết các tồn tại hạn chế tại địa phương, đồng thời nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi số toàn diện tại các xã, phường...

Ưu tiên hoàn thiện nền tảng hạ tầng số

Hơn 1 năm sau khi ký kết về chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2026, VNPT Đắk Lắk và UBND TP Buôn Ma Thuột đã phối hợp triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành trên toàn thành phố.

Trung tâm IOC triển khai tiện ích đô thị thông minh tại địa bàn thành phố

Đặc biệt, UBND thành phố luôn quan tâm phát triển hạ tầng số, triển khai xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến 21/21 phường, xã và kết nối về UBND tỉnh đảm bảo triển khai các cuộc họp trực tuyến giữa các cấp chính quyền.

Ông Trần Đức Nhật – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã triển khai xây dựng Trung tâm điều hành, giám sát camera tập trung tại Công an Thành phố hoàn thành giai đoạn 1 kết nối 454 mắt camera tại các phường, xã, tích hợp hoàn thiện mắt camera từ các phường, xã về để theo dõi, giám sát các nơi công cộng, tuyến đường giao thông trọng điểm.

 

Xã Hòa Phú triển khai thí điểm nhiều mô hình chuyển đổi số phục vụ người dân

Thời điểm hiện tại, đã tạo lập và cung cấp các dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, giảm chi phí...

Đại diện UBND TP.Buôn Ma Thuột thông tin, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố đã tiếp nhận 10.275 hồ sơ và giải quyết xong 10.119 hồ sơ.

Trong đó, giải quyết trước hạn là 9.219 hồ sơ, giải quyết đúng hạn là 726 hồ sơ. Tỉ lệ đánh giá sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp liên quan đạt 100%.

Về kinh tế số, UBND thành phố đã triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Triển khai hóa đơn điện tử; triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (e Tax Mobile), triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức hướng dẫn các hộ nông dân và các hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP và giao dịch trên các sàn thương mại. Ngoài ra, UBND Thành phố đã triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC từ Thành phố đến phường, xã để phục vụ người dân và doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

Với phương châm mỗi người dân là kênh thông tin, chính quyền tạo điều kiện cho người dân tham gia vào giải quyết các vấn đề của địa phương, UBND Thành phố đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các dịch vụ phản ánh hiện trường trên địa bàn Thành phô; triển khai đường dây nóng phản ánh về hạ tầng đô thị trên địa bàn Thành phố; triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành thuế; phối hợp với Viettel Đắk Lắk triển khai chợ 4.0 trên địa bàn xã Hòa Phú.

Triển khai xây dựng hệ thống wifi công cộng tại Hoa viên Thành phố, bệnh viên đa khoa Thành phố và duy trì hệ thống wifi công cộng tại Quảng trường 10 tháng 3, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC Thành phố để phục vụ người dân truy cập internet giải quyết TTHC và vui chơi, giải trí.

Theo ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, dù địa phương đã đạt được những thành quả nhất định nhưng còn rất nhiều việc phải làm để chuyển đổi số sâu rộng, với quy mô toàn bộ các xã phường. Đây là một trong những thành quả bước đầu rất đáng khích lệ trong quá trình chuyển đổi số tại TP Buôn Ma Thuột.

Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ mở rộng tuyến phố không tiền mặt cho hộ kinh doanh 

Chẳng hạn, việc đầu tư, trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị vẫn còn nhỏ lẻ chưa được đồng bộ, đặc biệt là UBND các xã một số máy tính cấu hình không đảm bảo để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố còn thiếu, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên việc chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

Tổ công nghệ số cộng đồng tại một số đơn vị chưa phát huy được tính tiên phong trong việc triển khai, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số, dịch vụ thông minh khi được triển khai trên địa bàn.

Ngoài ra, công tác an toàn thông tin còn tiềm ẩn nhiều rủi do, lộ lọt thông tin do kỹ năng khai thác và sử dụng mạng internet của người dùng còn hạn chế.

Mở rộng tiện ích của các dịch vụ đô thị thông minh

Theo ông Trần Đức Nhật, việc triển khai các dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn Thành phố giúp cho người dân tham gia trải nghiệm và ứng dụng các dịch vụ tốt nhất mà các cấp Chính quyền cung cấp, qua đó cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Việc cung cấp dịch vụ phản ánh hiện trường trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào việc giám sát việc giải quyết các tồn tại hạn chế tại địa phương.

Tuyến phố thanh toán không tiền mặt đầu tiên tại thành phố Buôn Ma Thuột

Theo số liệu thống kê UBND Thành phố đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk triển khai 14 dịch vụ phản ánh hiện trường trên địa bàn Thành phố thông qua ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến.

Từ tháng 4/2021 đến ngày 15/8/2023 đã tiếp nhận 392 phản ánh, đã xử lý 378 phản ánh, đang xử lý 14 phản ánh. Ngoài ra, để cung cấp cho người dân trên địa bàn Thành phố thêm kênh thông tin phản ánh, UBND Thành phố đã triển khai đường dây nóng phục vụ các tổ chức cá nhân phản ánh về hạ tầng đô thị trên địa bàn Thành phố. Kết quả phản ánh từ tháng 8/2022 đến 15/8/2023 là 599 phản ánh, đã xử lý 592 phản ánh, đang xử lý 7 phản ánh.

Văn phòng Chính phủ kiểm tra công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số tại phường Tân Tiến – TP.Buôn Ma Thuột

Thời gian đến, UBND Thành phố đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai các dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn Thành phố như: dịch vụ phản ánh hiện trường, dịch vụ phản ánh qua đường dây nóng; dịch vụ phản ánh dịch vụ công trực tuyến,… nhất là dịch vụ phản ánh hiện trường.

UBND Thành phố đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Thành phố triển khai thí điểm hệ thống chiếu sáng thông minh trên địa bàn Thành phố; triển khai xây dựng đề án Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) Thành phố; triển khai xây dựng hệ thống camera thông minh (AI) để tích hợp về Trung tâm camera của Thành phố và Trung tâm IOC của tỉnh; xây dựng hệ thống Đài Truyền thanh thông minh tại các phường thuộc Thành phố,…

"Trong năm 2023, UBND thành phố cũng sẽ xây dựng hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch đô thị và cấp phép xây dựng trên địa bàn cũng như thí điểm hệ thống chiếu sáng thông minh và xây dựng Cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ phục vụ cho việc quản lý thông minh", ông Nhật cho hay.

UBND TP Buôn Ma Thuột đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ, kỹ thuật cao về làm việc, công tác tại các huyện, thị xã, thành phố.

Hiện TP Buôn Ma Thuột đang có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi và Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động ở các cơ sở, cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn thành phố.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 148/KH-UBND, ngày 12/9/2023 về việc Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025.
 
phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80%; tốc độ băng thông di động 40Mbps; tỷ lệ thôn, buôn được phủ sóng di động băng rộng (tính theo vùng phủ có dân cư sinh sống) đạt100%; tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) đạt 100%. Phát triển mạng di động công nghệ 4G/5G tại khu vực thành phố, trung tâm huyện, khu vực đông dân cư, tốc độ băng rộng di động đạt trong nhóm 30 tỉnh/thành dẫn đầu.
 
Số thuê bao băng rộng cố định/100 dân: 2,05%; tỷ lệ phần trăm hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang: 90%; tỷ lệ thôn, buôn được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH): 85%; tỷ lệ hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đạt 40%. Trung bình mỗi người dân có 1 tài khoản dịch vụ điện toán đám mây hoặc dịch vụ được triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây.

Nguồn: Daklak.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)