Một số vấn đề lớn đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5

Thứ ba, 29/08/2023 15:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Theo chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, khóa XV, ngày 29/8, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, đây là một trong những dự án luật có tổng số lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường nhiều nhất với tổng số 238 lượt ý kiến.

Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đa số ý kiến phát biểu đều đánh giá cao và tán thành Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Nhà ở. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, xung đột giữa dự thảo Luật với các luật khác có liên quan, bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Một số ý kiến đề nghị rà soát để phân định rõ, bảo đảm tính thống nhất giữa phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, tránh xung đột, trùng lặp giữa hai luật. Đồng thời luật hóa các loại hình nhà ở mới xuất hiện trong thời gian gần đây như bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại… để có cơ chế quản lý thống nhất, đồng bộ và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Về chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở: Có ý kiến đề nghị cần tránh quan niệm về nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, chất lượng kém, không bảo đảm các điều kiện sử dụng cho người dân gây bức xúc trong dư luận. Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi để người dân xây dựng và cải tạo nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện nay về số lượng, chất lượng nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Có ý kiến đề nghị tách loại hình nhà ở để bán và nhà ở cho thuê, cho thuê mua; cần có chính sách tập trung ưu tiên cho loại hình nhà ở cho thuê, cho thuê mua để đáp ứng nhu cầu và các điều kiện kinh tế của đại bộ phận người lao động, nhất là các lao động trẻ trong xu hướng dịch chuyển lao động ngày càng nhiều đến các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, các đô thị.

Có ý kiến cho rằng cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội là đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân chứ không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở. Do đó, đề nghị đẩy mạnh hình thức phát triển nhà ở xã hội để cho thuê thay vì hình thức bán để bảo đảm số đông người thu nhập thấp tiếp cận và có chỗ ở. Ý kiến khác cho rằng nếu thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo hình thức chỉ cho thuê thì Nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn, điều này vượt quá khả năng thực tế.

Về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam, quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài: Có ý kiến cho rằng quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam vừa theo tỷ lệ % vừa theo số lượng là chưa thống nhất về kỹ thuật lập pháp. Cần làm rõ cơ sở đưa ra số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam. Có ý kiến cho rằng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam như quy định của dự thảo Luật là quá lớn dẫn đến việc đầu cơ tích tụ nhà ở, lũng đoạn thị trường tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong khi người Việt Nam thực sự có nhu cầu lại khó tiếp cận về nhà ở.

Đề nghị chỉnh lý theo hướng tách quyền sở hữu, số lượng sở hữu về nhà ở của tổ chức và số lượng sở hữu nhà ở của cá nhân nước người để quy định riêng, vì nhu cầu về nhà ở của tổ chức và cá nhân khác nhau. Đồng thời, đối với cá nhân nước ngoài cần phải đánh giá, xem xét nhu cầu thực sự về nhà ở để hạn chế tổng số căn hộ, số nhà ở riêng lẻ được sở hữu trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với nhu cầu thực tế nhà ở của cá nhân.

Về xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh: Một số ý kiến tán thành quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh như trong dự thảo Luật. Nhiều ý kiến đề nghị không tiếp tục quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh mà tích hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh vào quy hoạch; không tán thành quy định việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, cần tăng cường việc phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Về hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại: Một số ý kiến đề nghị không quy định hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại trong Luật Nhà ở mà dẫn chiếu áp dụng quy định trong dự thảo Luật Đất đai. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc thận trọng việc mở rộng các hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Về cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại: Có ý kiến đề nghị cần có quy định để phòng ngừa trường hợp lợi dụng cơ chế thỏa thuận để gom đất nông nghiệp sau đó chuyển thành đất ở và bảo vệ người dân với tư cách là đối tượng yếu thế trong việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư. Đồng thời, có cơ chế giải quyết trường hợp khi đa số người dân thống nhất phương án thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng có một số hộ cố tình không thỏa thuận để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư.

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: Có ý kiến đề nghị nghiên cứu và quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như thẩm quyền, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi khu chung cư. Có ý kiến đề nghị phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực tiễn cải tạo, vận hành, quản lý nhà chung cư để quy định trong dự thảo Luật; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là Ủy ban nhân dân trong việc quản lý và giải quyết tranh chấp về cải tạo, vận hành, quản lý nhà chung cư.

Có ý kiến cho rằng, hầu hết các quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư trong dự thảo Luật không phù hợp với quản lý nhà chung cư cũ được xây dựng cách hiện nay 30, 40, 50 năm. Do đó, đề nghị bổ sung quy định riêng về quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì các tòa nhà chung cư cũ loại này, vai trò của chính quyền địa phương, sự đầu tư của ngân sách nhà nước, tránh trường hợp các tòa nhà này rơi vào tình trạng chờ đợi cho đến khi hư hỏng đủ nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ mới được phá dỡ. 

Về thời hạn sử dụng nhà chung cư, có ý kiến đề nghị quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng đất để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong việc phát triển nhà chung cư. Ý kiến khác đề nghị quy định thời hạn sử dụng nhà ở gồm hai loại: không xác định thời hạn (lâu dài) và có thời hạn sở hữu.

Về các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ, sự cần thiết quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đồng thời cần rà soát các ưu đãi này để bảo đảm tính thống nhất với các luật về thuế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Có ý kiến đề nghị soát lại ưu đãi về miễn tiền sử dụng đất để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến cho rằng việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư là cơ chế pháp luật đặc thù không thuộc trường hợp tái định cư.

Về đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: Có ý kiến cho rằng nếu quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì sẽ loại bỏ hàng loạt trường hợp thuộc diện đóng thuế nhưng vẫn thuộc thu nhập thấp. Do đó, đề nghị cân nhắc thận trọng vấn đề này.

Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội: Có ý kiến cho rằng một trong những chính sách mới về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong lần sửa đổi này là không tiếp tục quy định về việc dành 20% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Đề nghị đánh giá kỹ tác động chính sách mới. Có ý kiến đề nghị kế thừa quy định của Luật hiện hành về việc dành 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội theo hướng quy đổi 20% diện tích đất này bằng tiền để đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội.

Về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội: Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành bộ quy chuẩn về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân để có hiệu lực cùng thời điểm Luật có hiệu lực thi hành; quy định các hạ tầng về giáo dục, y tế bắt buộc phải có trong dự án nhà ở xã hội. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu để có cơ chế đơn giản hóa thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội.

Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp: Nhiều ý kiến cho rằng quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất của khu công nghiệp, đồng thời không bảo đảm điều kiện về môi trường, an toàn, kết nối hạ tầng. Do đó, đề nghị quy định địa điểm xây dựng nhà lưu trú công nhân là nằm ngoài khu công nghiệp và có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, tiện ích, bảo đảm môi trường sống cho công nhân và con em của họ. Có ý kiến đề nghị quy định về hạ tầng thiết yếu như giáo dục trong dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ việc dành quỹ đất thích hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân phải bảo đảm về tỷ lệ phần trăm quỹ đất, diện tích khu công nghiệp, số lượng công nhân; bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy giữa khu vực nhà ở cho công nhân với khu công nghiệp, nhất là những khu công nghiệp lớn; bảo đảm chăm lo đời sống cho công nhân khu công nghiệp; có chế tài bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách này.

Tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân: Một số ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Một số ý kiến đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân mà trách nhiệm này thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giám sát, lựa chọn chủ đầu tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Một số ý kiến đề nghị làm rõ kinh phí đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư là lấy từ nguồn nào, là tài sản công hay tài sản nhà nước, việc quản lý, sử dụng loại nhà này như thế nào.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung cụ thể như đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở; nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở; về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở, các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; các loại hình nhà ở phát triển theo dự án và tiêu chuẩn diện tích nhà ở, về quỹ đất để phát triển nhà ở; về án đầu tư xây dựng nhà ở; về nhà ở công vụ. Về phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư, có ý kiến đề nghị cụ thể hóa nguyên tắc tái định cư “nhà ở được tái định cư phải bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” và tiêu chuẩn về nhà tái định cư.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức các cuộc làm việc, giám sát, khảo sát thực tế tại một số địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan, tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật./.

Nguồn: Quochoi.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)