Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 10 cụm CN-TTCN làng nghề được thànhlập, trong đó 8 cụm có quyết định phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng và 2 cụm đượcphê duyệt nhiệm vụ và dự toán khảo sát thiết kế quy hoạch chi tiết.
Hàng năm ngân sách tỉnh hỗ trợ trong cơ chế giao và điều hành kế hoạch cho các cụm CN-TTCN làng nghề mức hỗ trợ 3 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí hỗ trợ như vậy thì chưa thể đầu tư đồng bộ được kết cấu hạ tầng các cụm. Mặt khác chưa khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác kinh doanh, quản lý cụm CN-TTCN làng nghề trên địa bàn tỉnh. Một số khu cụm công nghiệp đã được ngân sách đầu tư nhưng còn bất cập rất nhiều về cơ sở hạ tầng.
Để giải quyết vấn đề này trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các cơ sở sản xuất vào cụm CN-TTCN làng nghề nhằm thực hiện mục tiêu kết luận số 14/KL-TV ngày 20-7-2002 của Tỉnh ủy về chương trình phát triển CN-TTCN là: Phát triển CN theo hướng CNH, HĐH, nhất là công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh phát triển TTCN làng nghề thì việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư sản xuất vào cụm CN-TTCN làng nghề là rất cần thiết. Hỗ trợ về bồi thường, giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường cụm CN-TTCN làng nghề; Hỗ trợ về rà phá bom mìn trong cụm. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng trong hàng rào tập trung vào hạng mục xử lý nước thải, chất thải tập trung trong cụm; Hỗ trợ di dời vào cụm CN-TTCN làng nghề và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động.
Cụm CN-TTCN làng nghề được hình thành sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế vùng phát triển đúng vai trò hạt nhân trong việc hình thành các trị trấn, thị tứ mới, thúc đẩy dịch vụ phát triển, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động nông thôn, ổn định an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03-NQ/TU về nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Vĩnh Phúc.
Theo Báo Xây dựng điện tử