Thuận lợi lớn nhất khi thi công Thủy điện Lai Châu là hầu hết các đơn vị đều từng tham gia thi công tại công trình Thủy điện Sơn La, thông thuộc địa hình cũng như thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Tây Bắc, có kinh nghiệm thi công đập bê-tông đầm lăn, kết cấu các tổ máy phát điện giống với Thủy điện Sơn La, những kinh nghiệm quý báu được tích lũy ở các công trình thủy điện sẽ được phát huy.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, kỹ sư Phạm Hồng Phương, Phó trưởng Ban quản lý dự án Thủy điện Lai Châu cho biết, mục tiêu hiện nay của Thủy điện Lai Châu là tập trung toàn lực cho công tác chuẩn bị khởi công vào cuối năm 2010. Từ đó, đảm bảo tiến độ phát điện tổ máy 1 vào năm 2016 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2017.
Hiện trên công trường có 13 đơn vị thi công thuộc ba nhà thầu là Sông Ðà, Licogi và Trường Sơn, với số kỹ sư, công nhân hơn 1.000 người, cùng 54 máy xúc, 27 máy ủi, 190 xe ô-tô tự đổ loại 22 tấn, 11 máy khoan..., trong đó 19 tổ hợp thi công hố móng bờ phải, 6 tổ hợp thi công mở rộng lòng bờ trái, 6 tổ hợp đào bóc đất phủ mỏ đá, còn lại thi công các hạng mục phụ trợ, lán trại, đường thi công.
Công ty 99 thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị đang đảm nhận việc hạ cốt nền hơn 100 m, đào hố xói, đổ bê-tông cống dẫn dòng. Đây là đội ngũ kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp đã qua nhiều công trình thủy điện, đặc biệt là Thủy điện Sơn La.
Công tác giải phóng lòng hồ không khó khăn, phức tạp như nhiều nơi khác, nhưng do công trình nằm ở vùng sâu, vùng xa nên cơ sở hạ tầng yếu kém.
Việc xây dựng cơ sở hậu cần, thông tin liên lạc, phục vụ việc điều hành, chỉ đạo thi công, có thể giao ban trực tuyến, cùng với hệ thống cơ sở y tế, trường học, cửa hàng dịch vụ thương mại, cung ứng vật liệu xây dựng được giải quyết.