Trong giai đoạn 2011 - 2015, TPHCM cũng thúc đẩy và phát triển 7 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) với quy mô 22,6ha, tổng diện tích sàn xây dựng 837.000m² với 10.000 căn hộ; phấn đấu xây dựng hoàn thành 9 dự án nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích đất 30,22ha, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 555.190m², ước tính đáp ứng khoảng 67.700 chỗ lưu trú; đáp ứng khoảng 13.700 chỗ ở cho sinh viên đủ điều kiện; xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa, 1.200 căn nhà tình thương, hỗ trợ kinh phí sửa chữa 1.500 căn nhà thuộc diện khó khăn cần phải hỗ trợ…
UBND TP.HCM đã công bố Quyết định số 74/2010 về sửa đổi, bổ sung quy định hạn mức vốn vay cho đối tượng có thu nhập thấp vay tiền tại Quỹ Phát triển nhà ở TP để tạo lập nhà ở (có hiệu lực thi hành từ ngày 17.10.2010). Theo đó, hạn mức vốn vay từ năm 2010 trở về sau được tăng từ 300 triệu đồng lên 400 triệu đồng/hồ sơ, với thời hạn cho vay tối đa là 15 năm.
Bên cạnh đó, chương trình di dời, tháo dỡ và xây dựng mới thay thế 25 chung cư cũ xuống cấp cũng sẽ gấp rút được triển khai. Số chung cư bị hư hỏng nặng có tổng diện tích 350.000m² sàn xây dựng (khoảng 6.531 căn hộ) tập trung tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình; phấn đấu xây dựng hoàn thành 11 dự án với tổng diện tích đất 85,3ha, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 453.000m² với 4.695 căn hộ.
TPHCM xác định Chương trình Phát triển nhà ở vẫn là chương trình trọng điểm, tập trung phát triển về quy mô dân số tương ứng với nền kinh tế và không gian sinh sống theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cụ thể sẽ phát triển 39 triệu m² tổng diện tích sàn xây dựng, tương ứng mỗi năm phát triển 7,8 triệu m². Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17m²/người.
Tuy nhiên, việc khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ít hiệu quả do hiệu quả kinh tế không cao, thu hồi vốn chậm. Do đó, năm 2009 và 2010, TP có cơ chế hoán đổi quyền sử dụng đất do nhà nước trực tiếp quản lý để tạo quỹ nhà ở phục vụ đầu tư nhà ở xã hội. Đồng thời kiến nghị trung ương một số cơ chế chính sách để thực hiện chương trình này bao gồm: không quy định bắt buộc tầng cao tối đa của nhà ở xã hội là 6 tầng; xem xét, quy định việc trích tỷ lệ lợi tức của doanh nghiệp để đóng vào quỹ tài chính phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi về thuế đối với dự án ký túc xá sinh viên, nhà lưu trú công nhân, nhà ở TNT....
Theo Báo Xây dựng điện tử