KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y là điểm nhấn trong chiến lược liên kết nhằm tạo cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Công, là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền trung, Ðông - Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Ðông - Bắc Cam-pu-chia, Thái-lan và Mi-an-ma.
Với nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của KKT đối với sự phát triển giao lưu kinh tế quốc tế cũng như thúc đẩy quá trình xây dựng Tam giác phát triển khai thác lợi thế sẵn có của ba nước, khai thác hiệu quả nguồn lực vốn có của mỗi nước nhằm đưa khu vực biên giới trước đây vốn còn nghèo và chậm phát triển thành một khu vực phát triển bền vững, có KKT động lực. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y tại Quyết định số 225/QÐ-TTg ngày 8-2-2007 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Tỉnh ủy Kon Tum đã có Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24-4-2007 về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, đã xác định ba vùng kinh tế động lực của tỉnh, trong đó KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi và hiện nay đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư và có tác động nhất định đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên tinh thần đó, từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum, sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp của Chính phủ Lào (tỉnh Át-ta-pư) và sự nỗ lực cố gắng khắc phục mọi khó khăn, đến nay, nhiệm vụ đầu tư, xây dựng và phát triển KKT đã đạt được một số kết quả quan trọng, làm tiền đề cho việc xây dựng phát triển KKT cửa khẩu trong thời gian tiếp theo.
Từ năm 1999 đến 2010, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y là 1.056,267 tỷ đồng. Quy hoạch chi tiết các khu chức năng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đã dần dần hoàn thành, tạo thuận lợi cho việc kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư tại KKT.
KKT đã khởi sắc, hạ tầng khu đô thị đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; giao lưu quan hệ kinh tế quốc tế tốt, ngày càng thân thiện, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trong khu vực tam giác ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.
Hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y từ năm 2005 đến nay ngày càng sôi động, nhất là từ tháng 5-2006, sau khi quốc lộ 18B hoàn thành đưa vào sử dụng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào, ngành du lịch mở nhiều tuyến du lịch qua lại cửa khẩu. Số lượng khách, phương tiện, xuất, nhập cảnh qua lại cửa khẩu ngày càng tăng. Tất cả mọi hoạt động tại cửa khẩu, năm sau đều tăng so với năm trước.
Trong thời gian qua có 51 dự án đăng ký đầu tư tại đây với tổng vốn đăng ký hơn 91.000 tỷ đồng. Ðến nay có 16 dự án thực hiện với tổng vốn đầu tư 146 tỷ đồng, trong đó có tám dự án hoàn thành (20,15 tỷ đồng) và tám dự án đang giai đoạn xây dưng cơ bản (125,85 tỷ đồng); 31 dự án hết hiệu lực đã thu hồi chủ trương đầu tư.
Hiện nay có một số nhà đầu tư đang khảo sát để lập dự án đầu tư như Tập đoàn giấy Tân Mai khảo sát đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy; Công ty CP đầu tư Sài Gòn - Tây Nguyên khảo sát đầu tư trồng cao-su và xây dựng nhà máy chế biến lốp xe hơi; Tổng công ty Dầu Việt Nam đăng ký đầu tư xây dựng bốn cây xăng, Doanh nghiệp tư nhân Plây Cần đăng ký đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, một số dự án khai thác đá xây dựng đang làm thủ tục đăng ký đầu tư.
KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Tuy nhiên với những dự án đã thu hút được, bước đầu đã mang lại một số hiệu quả về kinh tế và xã hội. Trong sáu dự án đã đầu tư hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh, tổng doanh thu trong thời gian qua ước đạt 15,650 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 559 lao động, thu nhập bình quân của công nhân làm việc tại các dự án này từ 1,2 triệu đến 2,7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, KKT còn gặp một số khó khăn như: Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Kon Tum và các tỉnh biên giới Lào - Cam-pu-chia còn nhiều khó khăn. Là vùng có điểm xuất phát còn thấp so với bình quân chung của cả ba nước, vì vậy để xây dựng nơi đây trở thành vùng kinh tế động lực, trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Ðông - Tây trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia như mục tiêu, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức và nguồn vốn với sự quan tâm đặc biệt, đúng mức của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương.
Là một tỉnh nghèo, nguồn thu của ngân sách địa phương còn rất khó khăn (tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng chi ngân sách địa phương). Mức đầu tư từ ngân sách trung ương cho mục tiêu đầu tư phát triển KKT đã được quan tâm. Nguồn vốn được phân bổ bình quân hằng năm tăng từ 16,48 tỷ đồng/năm (1999-2005) lên 188,18 tỷ đồng/năm (2006-2010), tuy nhiên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển theo mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế mới chỉ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô vốn thấp, triển khai thực hiện dự án chậm, chưa thu hút đầu tư được các doanh nghiệp ngoài tỉnh và nước ngoài có quy mô vốn lớn đầu tư đa dạng hóa ngành nghề với công nghệ cao... Cùng với đó là việc đầu mối quản lý của KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong thời gian qua thiếu ổn định, đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, dẫn đến một số dự án đã đăng ký đầu tư nhưng chủ đầu tư đang tạm dừng triển khai hoạt động.
Ðể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, Ban quản lý KKT tỉnh Kon Tum đang đề ra các giải pháp thực hiện như: Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại KKT; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng tại KKT, sớm đưa các công trình này vào khai thác, sử dụng, đồng thời có biện pháp để huy động, kêu gọi đầu tư thông qua các hình thức BOT, BT, BO, liên doanh, liên kết, 100% vốn nước ngoài... để đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu trong KKT; hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng để có điều kiện kêu gọi đầu tư; đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các hoạt động đối ngoại, các diễn đàn quốc tế, các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước, các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Có chế độ ưu đãi thỏa đáng để thu hút các trí thức, nghệ nhân, công nhân có trình độ tay nghề cao đến làm việc tại KKT. Tăng cường phân cấp và ủy quyền cho Ban quản lý KKT trong một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quản lý xây dựng, quy hoạch, thanh, kiểm tra các hoạt động trong khu công nghiệp, KKT và chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý và thu hút đầu tư của Ban quản lý KKT.
Hy vọng với các giải pháp được Ban quản lý KKT đề ra, cùng với các cơ chế chính sách thu hút đầu tư đặc biệt, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Bờ Y sớm trở thành một cửa khẩu quốc tế sầm uất, trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum cũng như của khu vực.
Một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư Ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định chung của Nhà nước (cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo Quyết định số 33/2009/QÐ-TTg ngày 2-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu), KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y được áp dụng một số cơ chế, chính sách theo Quyết định số 217/2005/QÐ-TTg ngày 05/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Thông tư số 06/2006/TT-BTC ngày 4-4-2006 của Bộ Tài chính. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum không ban hành cơ chế, chính sách nào riêng đối với KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y. |
Theo Nhân dân.