Hoạt động nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiết kế nhà an toàn chi phí thấp và cộng đồng bền vững là cơ hội để sinh viên (SV) thể hiện sáng tạo, áp dụng kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường vào thiết kế thực tiễn.
SV trường Đại học Xây dựng Miền Trung tham gia hoạt động nâng cao nhận thức về BĐKH và thiết kế nhà an toàn chi phí thấp và cộng đồng bền vững.
Ngày 15/10, tại tỉnh Phú Yên, SV trường Đại học Xây dựng Miền Trung tham gia hoạt động nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và thiết kế nhà an toàn chi phí thấp và cộng đồng bền vững. Sự kiện lần này là một trong các hoạt động của Cuộc thi “Thiết kế nhà ở an toàn - cộng đồng bền vững với biến đổi khí hậu khu vực ven biển”.
Đây là sáng kiến của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.
Hoạt động này nhằm chia sẻ với các SV và các thầy cô trong trường về vai trò của nhà ở an toàn chi phí thấp và những hiểu biết về BĐKH ở khu vực ven biển. Đây cũng là cơ hội để SV thể hiện các sáng tạo, áp dụng những kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường vào thiết kế thực tiễn và quan trọng hơn là giúp cho sinh viên có được định hướng về những đối tượng thiết kế trong cuộc sống và mang lại lợi ích cho cộng đồng trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH. Các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9 vừa qua và được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo SV, giáo viên các trường đào tạo ngành xây dựng cũng như các kỹ sư, kiến trúc sư trên cả nước.
Phú Yên là một trong những tỉnh ven biển miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của rủi ro thiên tai và BĐKH. Chỉ tính riêng trong năm 2017, cơn bão số 12 (Damrey) khiến gần 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng ở Phú Yên trên tổng số hơn 130.000 ngôi nhà bị hư hại nặng do cơn bão này tại các tỉnh bị ảnh hưởng.
BĐKH đang và ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân. BĐKH còn có khả năng làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, như bão, lụt, gia tăng sạt lở đất và vùng đất ngập mặn… Nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác, đe dọa an ninh lương thực, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt người nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề nhất của BĐKH do thiếu nguồn dinh dưỡng tối thiểu, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi thời tiết - khí hậu.
Theo Dangcongsan.vn