Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gửi tới sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV với nội dung kiến nghị: “Trung ương đề ra mục tiêu năm 2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở - cả nước chung tay không để ai bị bỏ lại phía sau; các địa phương đang nỗ lực tập trung triển khai theo chỉ đạo của trung ương. Theo quy định về xây dựng nhà ở thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không vi phạm về quy hoạch mặt khác yêu cầu các hộ thuộc đối tượng cần phải có vốn đối ứng... Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều hộ không đủ điều kiện về diện tích để tách thửa, chưa có giấy CNQSDĐ; nhiều trường hợp hộ gia đình mà chỉ có 01 người hoặc 02 người tuổi cao, không còn sức lao động hoặc gia đình có nhiều người bệnh tật không có vốn đối ứng thì không thể xây mới hay sửa chữa, nhiều năm là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì thế, cử tri kiến nghị xem xét trường hợp khó khăn và rất cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo”.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước là một chính sách nhân văn, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đối với đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân nghèo an tâm ổn định cuộc sống, “an cư lạc nghiệp”. Ngày 16/11/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 523/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo đối với một số vấn đề cụ thể:
1. Đối với đất xây dựng nhà ở
Tại khoản 4, Mục III văn bản số 523/TB-VPCP ngày 16/11/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước có nội dung: “Về đất xây dựng nhà ở: Thống nhất chủ trương hỗ trợ xây nhà ở trên đất ở không có tranh chấp, giao chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định theo phân cấp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định”, đề nghị địa phương căn cứ chủ trương trên để triển khai thực hiện.
2. Đối với hộ gia đình thuộc diện bảo trợ xã hội
Tại văn bản số 5935/BLĐTBXH-VPQGGN ngày 21/11/2024 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã có hướng dẫn: “Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội (không có khả năng lao động, không có thu nhập để đối ứng): địa phương quyết định mức hỗ trợ cao hơn phù hợp với thực tế từ nguồn xã hội hóa”. Do đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn huy động các nguồn lực xã hội hóa để bố trí thêm kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này.
Tại văn bản số 523/TB-VPCP ngày 16/11/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Huy động mọi lực lượng hỗ trợ, vận động cộng đồng hỗ trợ gia đình...”.
Do đó, tỉnh Khánh Hòa cũng có thể vận động Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã, Hội liên hiệp phụ nữ xã, lực lượng vũ trang... ủng hộ ngày công lao động, giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 666/BXD-QLN.