Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung Khu kinh tế Cửa khẩu Long An - tỉnh Long An đến năm 2030

Thứ năm, 23/10/2014 16:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 23/10/2014, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Long An - tỉnh Long An đến năm 2030. Hội nghị có sự tham gia của đông đủ các thành viên Hội đồng thẩm định đến từ các Bộ ngành TW; hội nghề Việt Nam. Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Long An; đại diện Ban Quản lý KKT Cửa khẩu Long An; đại diện tư vấn (Trung tâm chuyển giao công nghệ quy hoạch xây dựng - Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng) cùng tham dự Hội nghị.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị thẩm định

Tổng quan về KKT Cửa khẩu Long An, đại diện tư vấn cho biết: KKT Cửa khẩu Long An, tỉnh Long An được thành lập theo Quyết định 07/2010/QĐ-TTg ngày 25/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ. KKT có diện tích tự nhiên hơn 13 nghìn ha, với 01 Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và 01 Cửa khẩu phụ Long Khốt. Đây là một đầu mối vận tải và là một trạm trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy (sông Vàm Cỏ Tây) và đường bộ (Quốc lộ 62, Quốc lộ N1, tỉnh lộ 831, 831c) giữa Campu chia, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL. Với vẻ đẹp dặc thù vùng Đồng Tháp Mười, sự đan xen nền văn hóa của các dân tộc Việt – Chăm – Khme, với những di tích cách mạng - lịch sử, các di tích văn hóa kiến trúc cổ, làng nghề cùng tài nguyên văn hóa phi vật thể khá phong phú, văn hóa ẩm thực đặc sắc; tiềm năng phát triển du lịch - đặc biệt du lịch nông nghiệp sinh thái – trên địa bàn rất lớn.

Qua hơn 4 năm thành lập, KKT Cửa khẩu Long An đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Long An và vùng ĐBSCL. Thu ngân sách của KKT không ngừng tăng. Việc đầu tư các công trình hạ tầng đã cải thiện điều kiện sống cho người dân trong vùng, thu hút nhiều doanh nghiệp thương mại hoạt động buôn bán qua cửa khẩu. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Bình Hiệp năm 2012 đạt 10,148 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước 11 tỷ đồng. Để phát huy mọi tiềm năng thế mạnh của KKT trong sự nghiệp phát triển kinh tế vùng phía Tây cho tỉnh Long An; để tương xứng với vị thế đầu mối thông thương quan trọng của tỉnh Long An với Campuchia, đồng thời tạo sự đồng bộ, thống nhất về không gian phát triển, tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động đầu tư xây dựng vào KKT, việc lập Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Long An rất cần thiết. Đây cũng là bước hiện thực hóa Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 7/1/2013 của Thủ tướng về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Long An đến năm 2030.

Đồ án đã được tư vấn thực hiện trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, số liệu thu thập, kết hợp khảo sát hiện trạng và đánh giá chi tiết những yếu tố liên quan.Trong Đồ án, tư vấn đã xác lập rõ vị thế, vai trò của KKT trong tương quan phát triển vùng ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam và các tỉnh Campuchia (Pray Veng và Svay Rieng). Quy hoạch cũng đề xuất quy mô, ranh giới, tính chất các khu vực xây dựng với tính khả thi cao nhằm đẩy mạnh quá trình đô thị hóa (với hạt nhân là thị xã Kiến Tường theo lộ trình sẽ trở thành đô thị loại III năm 2020). Quy hoạch đã đề xuất phương án tổ chức hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với đặc trưng địa hình, dân cư và các kịch bản phát triển kinh tế. Với các định hướng phát triển như tư vấn đề ra trong Đồ án, KKT Cửa khẩu Long An sẽ trở thành cầu nối mở rộng giao thương Việt Nam – Campuchia, một trong những điểm sáng về quan hệ kinh tế đối ngoại quốc tế giữa Việt Nam – Campuchia; đồng thời là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng biên giới Tây Bắc tỉnh Long An.

Nhận xét về Đồ án, các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều nhận định: Đồ án được thực hiện rất công phu, phương pháp thực hiện khoa học thể hiện chuyên môn cao của đơn vị tư vấn. Hội đồng cũng tích cực thảo luận và cho ý kiến tư vấn nên nghiên cứu kỹ hơn mối quan hệ vùng, quan hệ với các địa bàn kinh tế đối trọng của Campuchia, xây dựng sơ đồ tác động của KKT đối với toàn tỉnh và toàn vùng; cập nhật các căn cứ pháp lý liên quan tới quy hoạch hạ tầng giao thông; làm rõ hơn vai trò đầu mối giao thông trong 05 hành lang chính vùng KTTĐ phía Nam. Một số kiến nghị về hình thức trình bày, biểu bảng cũng được Hội đồng nêu ra để tư vấn có cơ sở hoàn chỉnh Đồ án.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh hoàn toàn nhất trí: Đồ án đã có các phần đánh giá hiện trạng rất tốt, bám sát các đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội của khu vực. Về định hướng phát triển KKT trong tương lai, Thứ trưởng lưu ý: Long An không thuộc 8 KKT được ưu tiên đầu tư, nên quá trình phát triển sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, tuy các giải pháp tư vấn đưa ra khá phù hợp, song cần nghiên cứu thêm, có các luận cứ để nâng cao tính khả thi cho Đồ án. Bên cạnh đó, tư vấn cũng cần chú trọng đặc thù địa bàn có tới hơn 80% đất nông nghiệp, trong đó 94% là đất trồng lúa, để Đồ án vừa phù hợp với sự phát triển của một KKT, vừa thể hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Long An nhanh chóng chỉ đạo BQL và tư vấn hoàn chỉnh Đồ án theo ý kiến đóng góp của các ban ngành TW, để Bộ Xây dựng có cơ sở trình Chính phủ phê duyệt Đồ án trong thời gian sớm nhất.

Phòng TT-TL
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)