Báo cáo chuyên đề: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu - những bài học rút ra cho ngành Bất động sản

Thứ ba, 21/07/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, sáng nay ngày 21/7/2009, Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tổ chức một cuộc Hội thảo nghe Báo cáo chuyên đề "khủng hoảng kinh tế toàn cầu - những bài học cho ngành Bất động sản" do Giáo sư Naushad Ali Azad  của trường Đại học Jamia Millia Islamia, New Delhi, ấn Độ thực hiện. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Phó Chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam Tống Văn Nga, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Hà và đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến bất động sản.

Báo cáo của GS. Naushad Ali Azad gồm 2 phần: Khủng hoảng kinh tế thế giới - những bài học cho ngành Bất động sản; Một số phương pháp đánh giá thị trường bất động sản và định giá bất động sản.

Ngành nhà ở Mỹ là một trong những động lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Trị giá của ngành nhà ở Mỹ vào khoảng 22,5 nghìn tỷ USD, lớn hơn quy mô thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy kinh tế quan trọng này lại trở thành điểm khởi đầu của "khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn" chưa từng có trong lịch sử đã phá hoại toàn bộ nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế toàn cầu.

Báo cáo của GS. Naushad Ali Azad đã phân tích nguồn gốc của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, cuộc khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái năm 1930. Những nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng kinh tế toàn cầu được cho là do trong một thời gian dài, nền kinh tế Mỹ được duy trì bởi mức độ tiêu dùng cao bộc lộ hiểm hoạ đối với kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó là sự phát triển nóng của ngành nhà ở được hỗ trợ bởi chính sách tài chính nhà ở quá nới lỏng. Một trong những nguyên nhân được coi là gốc rễ của khủng hoảng được tập trung phân tích trong báo cáo là chế độ cho vay dưới chuẩn (cho vay với lãi suất cao đối với các đối tượng không đảm bảo độ tin cậy).

Theo GS. Naushad Ali Azad, bên cạnh những mặt tích cực, toàn cầu hoá còn có những mặt trái và sự khủng hoảng của ngành Bất động sản Mỹ hiện nay là hậu quả và là nạn nhân của toàn cầu hoá. Việt Nam và ấn Độ cũng phải gánh chịu những tác động nhất định từ cuộc khủng hoảng này. Chính vì vậy, nghiên cứu về ngành Bất động sản của Mỹ có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm cho ngành Bất động sản của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam./.

 

Minh Tuấn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)