Trao đổi vấn đề phát triển bền vững các vùng ven đô thị Việt Nam

Thứ ba, 20/03/2012 07:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong bối cảnh bùng nổ đô thị hoá, việc quản lý, phát triển các vùng ven ngoại thành có ý nghĩa quyết định để việc quy hoạch, xây dựng các đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là nội dung chính của Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt- Pháp lần thứ 9 với chủ đề “Phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam” diễn ra trong 2 ngày 19-20/3 tại Hà Nội.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc sáng 19/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa và kết quả của các diễn đàn kinh tế và tài chính Việt-Pháp từ trước tới nay cũng như chủ đề quan trọng, thiết thực của Diễn đàn họp lần thứ 9 này.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, đô thị hóa là xu thế khách quan và là một trong các tiêu chí xác định quốc gia thuộc các nhóm nước phát triển hoặc đang phát triển.

Tại Việt Nam, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng. Các vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như dân số tăng nhanh trong khi khả năng đáp ứng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội đô thị, mạng lưới giao thông chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu, lãng phí việc sử dụng đất, đô thị hóa làm giảm đi diện tích đất nông nghiệp ở các vùng ven đô, mất dần các làng nghề truyền thống, nảy sinh các vấn đề về chênh lệch chất lượng sống giữa người dân ở nội thị và ngoại thị.

Vì vậy, với những kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực này, Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách quản lý, phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam.

Theo ông Jacob Christian, đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế-Tài chính Việt-Pháp, diễn đàn lần này sẽ có 15 báo cáo chuyên đề được trình bày tập trung vào các nhóm vấn đề, như chuyển đổi nghề cho nông dân ở vùng đô thị hóa, tiềm năng làng nghề thủ công ven đô Hà Nội, quản lý đất đai ở vùng đô thị hóa, tác động của quá trình đô thị hóa với đời sống kinh tế, xã hội của người dân, các giải pháp và công cụ tài chính hỗ trợ, giao thông tại Hà Nội.

Trong ngày đầu của Diễn đàn, các tham luận tập trung đề cập tới những thách thức, các rủi ro và cơ hội của quá trình đô thị hoá tại các khu vực ven đô. Nhiều ý kiến đã nêu ra các khía cạnh về mặt con người và xã hội của quá trình đô thị hoá vùng ven cũng như hiện trạng của nền nông nghiệp, công nghiệp và thủ công.

Ngày làm việc thứ 2 (20/3), các đại biểu sẽ đề cập và thảo luận về các công cụ phục vụ công tác quản lý đất đai và quy hoạch đô thị. Phía các chuyên gia Pháp sẽ nêu một số kinh nghiệm, mô hình của Pháp trong xây dựng các khu công nghiệp, làng nghề, bình luận về tiềm năng phát triển các làng nghề, quy hoạch các đô thị mới ở Việt Nam./.

Hiện nay, Việt Nam có 755 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất ở Đông Nam Á. Nếu năm 1986, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới là 19% (khoảng 11,8 triệu người) thì đến năm 2010 đã tăng lên 30,5% (khoảng 26,3 triệu người).

 

Theo : www.chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)