Xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả - Bài 4 và hết: Những ‘hạt nhân’ mang tinh thần cải cách

Thứ sáu, 02/12/2022 16:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong thời đại công nghệ 4.0, những đoàn viên, thanh niên, những "chiến sĩ một cửa" là lực lượng tiên phong trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thực thi nhiệm vụ cải cách và giúp người dân “phổ cập”, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Họ là những cán bộ hành chính, những “hạt nhân” đã và đang góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, vì dân.

Cán bộ đội cơ động hướng dẫn người dân truy cập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại nhà - Ảnh: VGP

"Đội cơ động" hỗ trợ dịch vụ công tại nhà

Chính thức được UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) xây dựng và triển khai mạnh mẽ từ tháng 6/2022, đến nay, mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" đã giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến quốc gia, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Bày tỏ niềm vui khi được cán bộ phường đến tận nhà để "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động, chị Đỗ Thị Thu (phường Trúc Bạch, Ba Đình) nói: "Trước đây, khi cần làm những thủ tục giấy tờ, tôi đều phải đến trụ sở phường, có khi phải chờ 2-3 ngày mới giải quyết xong, mất rất nhiều thời gian, nhưng sau khi được đội cơ động của phường đến nhà phổ biến, hướng dẫn tôi cách sử dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động thì nay mọi thủ tục giấy tờ tôi muốn làm đều trở nên tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn".

Anh Nguyễn Văn Thành (phường Trúc Bạch, Ba Đình) chia sẻ, khi gia đình anh có nhu cầu làm giấy khai sinh cho con qua dịch vụ công trực tuyến nhưng chưa biết cách thức, thao tác để thực hiện, anh đã gọi điện lên bộ phận "một cửa" của phường để hỏi thông tin và được hẹn ngày có cán bộ đến hướng dẫn tại nhà.

"Đúng ngày hẹn, các cán bộ phường đến tận nhà hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động, máy tính, chỉ mất vài thao tác, vài phút là thủ tục tôi muốn làm đã xong xuôi.  Điều này giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi không phải đến trụ sở phường xếp hàng chờ đợi. Tôi mong muốn "Đội cơ động" sẽ được nhân rộng tại nhiều phường, nhiều địa phương để mang đến sự thuận tiện và niềm vui cho người dân", anh Thành chia sẻ.

Được biết, mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" là chiến dịch nhằm cụ thể hóa "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030" của Chính phủ và nâng cao tỉ lệ người dân thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, qua quá trình đẩy mạnh triển khai, đến nay, tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường đã tăng rõ rệt. Hiện phường có 8 "Đội cơ động" bao gồm cán bộ UBND phường, đoàn viên, thanh niên, tổ trưởng tổ dân phố. Ngoài cán bộ UBND phường, đoàn viên, thanh niên được coi là lực lượng xung kích bởi có sức trẻ, nhanh nhạy, nắm vững công nghệ thông tin.

Mỗi tuần, "Đội cơ động" sẽ có 3-4 buổi đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng hộ dân để hỗ trợ, tư vấn cho người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia; giúp người dân tiết kiệm thời gian, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tuyên truyền cho người dân hiểu và biết về các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số mới hiện nay.

Khẳng định việc triển khai các mô hình là biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp quận và cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh trên địa bàn quận, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành; triển khai ứng dụng phần mềm trên điện thoại thông minh nhằm tương tác giữa công dân với các cơ quan của phường, quận.

Xây dựng "văn hóa số" trong thực thi công vụ

Làm việc tại bộ phận "Một cửa", công việc thường xuyên quá tải, phải đến cơ quan từ sớm nhưng nhiều cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ nơi đây luôn tận tâm, trách nhiệm và tận tình tư vấn, giải thích cho người dân, giúp người dân hiểu rõ và có thể hoàn thành thủ tục hồ sơ hành chính của mình.

Chị Nguyễn Đoàn Khánh Chi, công chức tư pháp-hộ tịch phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Ngay từ khi UBND TP. Hà Nội triển khai phần mềm Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tôi đã xây dựng kế hoạch, hệ thống hóa dữ liệu hộ tịch vào phần mềm. Toàn bộ dữ liệu đều được tôi tranh thủ làm vào giờ nghỉ, ngoài giờ hành chính. Nhờ đó, dữ liệu hộ tịch từ khi thành lập đến nay, bao gồm: Khai sinh, khai tử, kết hôn được hệ thống hóa vào phần mềm của Bộ Tư pháp và "một cửa" UBND TP. Hà Nội.

Trước đây, dữ liệu công dân được lưu ở sổ sách của bộ phận "một cửa" phường. Khi người dân đến trích lục, cán bộ bộ phận "một cửa" sẽ phải tìm lại từng cuốn sổ, nhập lên máy tính rồi mới in ra, vì thế mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sau khi hệ thống dữ liệu lên phần mềm, việc tra cứu, lưu trữ hồ sơ để trả công dân có nhu cầu trích lục hồ sơ hộ tịch được rút ngắn từ 1 ngày làm việc xuống còn vài giờ. Thậm chí, có thể trả ngay cho công dân sau khi tiếp nhận hồ sơ".

Có thể thấy, sáng kiến của công chức trẻ Nguyễn Đoàn Khánh Chi không chỉ giúp công việc tại bộ phận "một cửa" của UBND phường thuận lợi hơn mà còn giảm thời gian đi lại, chờ đợi của người dân.

Đó cũng chính là tấm gương điển hình, công chức trẻ điển hình trong việc xây dựng "văn hóa số" trong thực thi công vụ. Những sáng kiến thực tiễn đó đã góp phần đổi mới quy trình, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, hỗ trợ, tư vấn người dân về các chủ trương, chính sách pháp luật hiện hành, tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp sức xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Theo TS. Nguyễn Thị Trang, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, xây dựng môi trường "văn hóa số" trong thực thi công vụ nên là một trong những nhiệm vụ được các cơ quan nhà nước làm ngay. Vì khi có "văn hoá số" trong thực thi công vụ, tất sẽ thay đổi nhận thức về môi trường số của đội ngũ cán bộ, công chức.

Xây dựng môi trường "văn hóa số" cũng chính là tinh thần, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ III (2021): "Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Nâng cao nhận thức về môi trường số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ trước bối cảnh chuyển đổi số là nhiệm vụ, giải pháp vô cùng cấp thiết và quan trọng. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, hạt nhân.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)