Cải cách hành chính tại TPHCM: 'Tìm giải pháp, đừng tìm giải thích'

Thứ hai, 15/08/2022 13:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trên cơ sở phân tích những mặt được và chưa được trong công tác cải cách hành chính của Thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành tập trung vào những hạn chế, những vấn đề mà Thành phố bị giảm điểm để từ đó tập trung khắc phục với tinh thần "tìm giải pháp chứ đừng tìm giải thích".


Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Sáng 12/8, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan đến công tác CCHC năm 2021 của Thành phố.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng, để triển khai CCHC tốt hơn trong thời gian tới, Thành phố cần sớm hoàn thiện việc xây dựng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất giữa Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử tập trung của Thành phố.

"Hiện nay, Thành phố triển khai việc này hơi chậm và manh mún. Theo Nghị định 61 năm 2018 của Chính phủ thì việc xây dựng hệ thống thông tin một cửa điện tử phải triển khai xong từ năm 2018, 2019", ông Hoàng cho biết.

Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, 6 tháng đầu năm, Thành phố tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng hiện trên hệ thống mà Thủ tướng theo dõi chỉ có 11.000 hồ sơ. Như vậy, các hồ sơ còn lại là báo cáo giấy.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tỉ lệ giải quyết đúng hạn các hồ sơ của Thành phố là 99,9%. Tuy nhiên, với con số 11.000 hồ sơ được nhập vào phần mềm một cửa điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia thì tỉ lệ này chỉ đạt 63%, còn lại là trễ hẹn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Duy Hoàng cũng đề nghị Thành phố tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để làm cơ sở xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. 

Theo ông, Chính phủ yêu cầu toàn bộ 800 dịch vụ công trực tuyến phải được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại TPHCM mới có 22 dịch vụ được kết nối. Số lượng này là là quá ít và không có sự liên thông, liên kết giữa các cơ quan, khiến thời gian giải quyết thủ tục hành chính chưa được rút ngắn.

Lấy ví dụ, ông Hoàng cho hay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên thông trong thanh toán dịch vụ về đất đai, thuế nhưng TPHCM vẫn chưa làm được. Như vậy là quá chậm so với các địa phương khác.

"Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, TPHCM mất trung bình 28 ngày để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, trong khi các địa phương đã liên thông thủ tục này chỉ mất 30 phút tới một giờ", ông Hoàng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề xuất TPHCM nghiên cứu phân cấp việc tiếp nhận đối với loại thủ tục hành chính có nhu cầu lớn để tạo thuận lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Thành phố cần số hóa 1.764 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử để đảm bao bao nhiêu hồ sơ được tiếp nhận thì từng đấy hồ sơ được cập nhật trên hệ thống một cửa điện tử, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi, kiểm soát được từng hồ sơ.


Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

'Tìm giải pháp, đừng tìm giải thích'

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Hội nghị một lần nữa khẳng định CCHC có một vai trò rất quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, đóng góp trực tiếp cho phát triển KT-XH của Thành phố. Muốn bộ máy hành chính hiệu lực hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn thì chúng ta phải cải cách hành chính.

Trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, hệ thống hành chính của Thành phố đã có nhiều nỗ lực, mang lại những kết quả lớn. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, so với mong mỏi của người dân và doanh nghiệp, so với các thành phố bạn thì công cuộc CCHC còn nhiều việc cần làm hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của người dân, yêu cầu phát triển Thành phố.

Trên cơ sở phân tích những cái được và chưa được trong công tác CCHC của Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các sở, ngành tập trung vào những hạn chế, những vấn đề mà Thành phố bị giảm điểm để từ đó tập trung khắc phục với tinh thần "tìm giải pháp chứ đừng tìm giải thích".

Theo đó, ông đề nghị từng đồng chí đứng đầu các cơ quan hành chính ở các cấp, các ngành căn cứ vào phân tích đã nêu để liên hệ cụ thể với cơ quan mình, ngành mình, cấp mình để xác định những điểm cần tập trung, có giải pháp cụ thể, phân công cụ thể, có tiến độ cụ thể, kiểm tra đôn đốc thường xuyên để cuối năm nay cải thiện dần các con số CCHC.

Sau Hội nghị này, đề nghị Văn phòng UBND Thành phố, Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện thông báo kết luận, xác định rõ những nhiệm vụ, phân công cụ thể và có lộ trình để thực hiện từ nay đến cuối năm.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng đề nghị Sở Nội vụ, với tư cách là Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC Thành phố, rà soát lại và thực hiện vai trò nhắc việc, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và qua đó xác định các bất cập để đề xuất.


Ảnh: VGP/Anh Thơ

Ngoài ra, với tư cách là một ngành, đề nghị Sở Nội vụ tập trung các nhiệm vụ liên quan đến CCHC, nhất là những biện pháp, giải pháp về tổ chức bộ máy, biên chế, về chế độ và chất lượng công vụ và tiếp tục tham mưu về phân cấp, phân quyền.

Đề nghị Sở KH&ĐT, với vai trò Thường trực theo dõi việc thực hiện Chỉ số PCI, rà soát, đôn đốc kiểm tra và tham mưu chỉ đạo thực hiện, khắc phục những tồn tại và cải thiện bằng được Chỉ số PCI. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thủ tục đầu tư, giải quyết các kiến nghị của các cơ quan, quận, huyện đối với Sở KH&ĐT…

Sở TT&TT, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Thành phố, phục vụ hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số, cần tập trung xây dựng, đồng thời rà soát để thiết kế các quy định về mặt thể chế, cộng với xây dựng kiến trúc để đúng tháng 10 này, Thành phố ra mắt Cổng Dịch vụ công Thành phố kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; chuẩn hóa, rà soát, tập trung các giải pháp để triển khai đồng bộ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Sở Tài chính từ nay đến cuối năm tập trung cho việc hoàn thiện đề án tự chủ, về biên chế và kinh phí, để giải quyết được một phần trong CCHC, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị.

Theo Bộ Nội vụ, kết quả Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2021 của Thành phố đạt 86,05%, xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 20 bậc nhưng tăng giá trị chỉ số 1,35% so với kết quả năm 2020.

Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021) của Thành phố đạt 86,69% (Năm 2020, Thành phố đạt 83,74%), nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức hài lòng thuộc loại trung bình thấp (từ 83% đến dưới 87%).

Về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021, Thành phố nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất, tổng điểm 08 chỉ số nội dung của Thành phố năm 2021 là 40,677 (năm 2020 là 41,99).

Tất cả 8 chỉ số nội dung của kết quả Chỉ số PAPI năm 2021 đều không đạt so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 2844/QĐ-UBND UBND Thành phố về ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số PAPI trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)